26/04/2025 10:06
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, do diễn biến phức tạp của tình hình chiến tranh, căn cứ của lực lượng vũ trang tỉnh Rạch Giá (nay là lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang) phải di chuyển qua nhiều địa phương trong tỉnh. Ấp Bờ Dừa, xã Đông Yên, huyện An Biên (nay là huyện U Minh Thượng) là nơi đặt sở chỉ huy lâu nhất, nơi các đồng chí lãnh đạo Tỉnh đội Rạch Giá quyết định nhiều chủ trương, kế hoạch tác chiến lớn, trong đó có kế hoạch phối hợp tác chiến chiến dịch xuân Mậu Thân năm 1968.
Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, địch mở nhiều cuộc càn quét. Trên địa bàn U Minh, chúng tiến hành hàng loạt trận đánh bom dọc sông Cái Bé, hướng từ Rạch Giá xuống U Minh. Đêm ngày 16-4-1969, một loạt bom đã ném trúng khu căn cứ sở chỉ huy Tỉnh đội Rạch Giá, gây tổn thất nặng nề. Nhiều cán bộ, chỉ huy lực lượng vũ trang mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mặc dù các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh có nhiều cố gắng, nhưng mãi đến 41 năm sau, vào những tháng đầu năm 2010, Đội K92 mới tìm được và đưa di cốt các cô, chú về với gia đình, người thân và đồng đội.
Cán bộ, chiến sĩ nghe kể chuyện truyền thống tại khu lưu niệm lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang.
Đại tá Nguyễn Văn Ngành - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang cho biết khu lưu niệm lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang được hình thành tại vị trí gắn liền với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang tỉnh.
Hiện nay, các chứng tích lịch sử dần phai mờ theo sự thay đổi của tự nhiên và hoạt động sinh hoạt của người dân địa phương. Vì vậy, việc tái hiện khu lưu niệm giúp hình dung diện mạo, tầm vóc lịch sử của lực lượng vũ trang tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Mỗi lần về thăm khu lưu niệm, tuổi trẻ lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang dâng trào lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc. Trợ lý công tác quần chúng Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Thượng úy Huỳnh Văn Trọng nói: “Là tuổi trẻ lực lượng vũ trang tỉnh, tôi nguyện ra sức học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của lực lượng vũ trang tỉnh”.
Khu lưu niệm lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang được xây dựng trên diện tích hơn 2ha, theo lối kiến trúc truyền thống, gắn liền với hệ sinh thái đặc trưng Nam bộ, gồm 16 hạng mục chính như bia tưởng niệm, đền thờ, di tích hố bom, nhà truyền thống, khu tái hiện sở chỉ huy và một số công trình phụ trợ khác. Công trình khánh thành ngày 22-12-2023.
Khu lưu niệm lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang - một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng nhắc nhở thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, giữ nước, để ra sức phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - 3 giờ ngày 25-4-1975, sau nửa giờ chiến đấu quyết liệt, đảo Sơn Ca được giải phóng hoàn toàn. Quân ta diệt và bắt sống toàn bộ lực lượng địch trên đảo; thu giữ nhiều thiết bị, vũ khí, đạn dược.
Tổng số lượt truy cập: