28/04/2025 08:54
Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Xứng trầm ngâm trước bàn thờ, bằng Tổ quốc ghi công, các chiến công của các con và anh, em ruột mẹ.
Một ngày tháng 4-2025, chúng tôi về vùng căn cứ cách mạng U Minh Thượng tìm gặp Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Xứng. Trong căn nhà tình nghĩa của mẹ Xứng được chính quyền địa phương xây dựng từ năm 2016 treo đầy bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến, nhiều bằng khen hai con của mẹ và ba người anh, em trai của mẹ cũng là liệt sĩ.
Mẹ Xứng kể: “Ngày ấy chiến tranh ác liệt, căn nhà của mẹ 3 lần bị giặc ném bom cháy rụi. Nhà cháy, mẹ dựng lại nhà vì ngoài kế sinh nhai mẹ còn che chở, đùm bọc chiến sĩ cách mạng”. Năm 19 tuổi, mẹ Xứng lấy chồng, đến năm 20 tuổi sinh con đầu lòng là anh Phan Văn Cháp rồi đến anh Phan Văn Bảnh và những anh chị khác. “Cha tụi nhỏ đi làm giao liên, mẹ ở nhà làm ruộng, chà gạo và nuôi chứa cán bộ cách mạng. Những khi giặc càn quét, lùng sục, bỏ bom, mấy mẹ con xuống hầm trú ẩn. Các con của mẹ lớn lên cùng tiếng bom đạn vang trời và cả hình bóng của các chú, các anh chiến sĩ cách mạng. Học theo các chú, các anh, hai con của mẹ quyết tâm theo tiếng gọi quê hương lên đường bảo vệ Tổ quốc”, mẹ Xứng nói.
Cán bộ huyện U Minh thượng thường xuyên đến thăm hỏi mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Xứng.
Mẹ Xứng cho biết hai con của mẹ đi bộ đội năm 16 tuổi. “Lần đầu Cháp trốn đi bộ đội mẹ bắt về vì lúc đó con còn quá nhỏ, nhưng lý tưởng của con lớn quá nên con lại trốn mẹ đi bộ đội lần hai. Ngày con đi mẹ không biết, đến khi đơn vị nó ở Vĩnh Thuận báo về mẹ mới biết. Mẹ mong con anh dũng chiến đấu, bình an, sớm trở về với mẹ”, mẹ Xứng nói.
Từ khi anh Cháp đi, mọi thông tin về anh đều bặt vô âm tín. Mẹ chưa kịp nguôi nỗi nhớ anh Cháp thì hai năm sau anh Bảnh trốn mẹ đi bộ đội. Rồi một ngày khi anh Cháp tròn 20 tuổi, mẹ nhận hung tin anh hy sinh trong một trận đánh ở Cần Thơ. Nén đau thương, mẹ Xứng ngược xuôi lên chiến trường tìm thi hài con nhưng không thấy.
Trở về quê với nỗi lòng nặng trĩu, nuốt nước mắt vào lòng mẹ Xứng kiên cường làm tròn trách nhiệm với những đứa con thơ, với cách mạng. Mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, những tưởng mẹ Xứng được sum vầy với anh Bảnh. Vậy mà chiến tranh biên giới Tây Nam một lần nữa lại cướp đi đứa con của mẹ. Anh Bảnh hy sinh năm 1977 tại vùng biên giới Hà Tiên...
Chiến tranh đã lùi xa, song nỗi nhớ các con của mẹ Xứng không bao giờ nguôi. Khóe mắt của mẹ đỏ hoe mỗi lần lặng nhìn về phía bàn thờ không di ảnh, không kỷ vật của hai con, chỉ có những bằng chiến công, ghi công của Đảng, Nhà nước đối với sự hy sinh to lớn của các anh.
Lãnh đạo Báo Kiên Giang thăm, tặng quà mẹ Võ Thị Xứng.
Mẹ Xứng nói với chúng tôi: “Mẹ mất hai con và đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ. Mẹ đau nhưng mẹ không bi lụy vì biết sự hy sinh của các con góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Ngày nay mẹ còn có các cấp chính quyền, các cháu ở địa phương rồi trên tỉnh thường xuyên quan tâm, đến thăm hỏi, động viên làm mẹ được an ủi. Bây giờ mẹ không chỉ có hai con đã hy sinh, các con ruột còn sống mà mẹ còn có rất nhiều đứa con khác đó chính là các con”, mẹ Xứng nói.
Chúng tôi rời nhà mẹ trong cái nắng tháng 4 gay gắt, mẹ ra cổng tiễn. Mẹ Xứng nói: “Mẹ mong các con chung sức giữ gìn nền độc lập và xây dựng đất nước ngày càng phát triển, xứng danh con Lạc cháu Hồng”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng Nguyễn Thum Em cho biết huyện U Minh Thượng chỉ còn một Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống là mẹ Võ Thị Xứng. Địa phương dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt với mẹ; trong đó địa phương vận động nhiều đơn vị, cá nhân phụng dưỡng mẹ đến cuối đời. Đến nay đời sống của mẹ Xứng và gia đình cùng các gia đình chính sách khác trên địa bàn ổn định hơn.
THỦY TIÊN
(KGO) - 15 giờ ngày 27-4-1975, ta chiếm lĩnh hoàn toàn các cơ quan đồn bốt của địch trong nội ô; thị xã Bà Rịa được giải phóng; cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh Lầu Nước.
Tổng số lượt truy cập: