28/06/2021 15:15
TĂNG CHI PHÍ
Trong thời điểm tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, giá xăng, dầu nhiều lần điều chỉnh tăng giá đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân, trong đó nghề đánh bắt thủy sản là ngành, nghề chịu tác động trực tiếp. Giá xăng, dầu tăng làm tăng các khoản chi phí ra khơi của nhiều ngư dân.
Theo ông Trương Văn Ngữ - Chủ tịch Hội Nghề cá TP. Rạch Giá, chi phí dầu cho mỗi chuyến biển kéo dài từ 3-4 tháng của các tàu cá đánh bắt xa bờ chiếm đến gần 50% tổng chi phí của chuyến đi. Bình quân mỗi cặp tàu cần khoảng 30.000-40.000 lít dầu/chuyến. Không những thế, các chi phí khác liên quan đến hoạt động khai thác hải sản như giá nước đá, các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng tăng theo.
Giá dầu tăng đã đẩy chi phí của mỗi chuyến biển của ngư dân tăng lên rất nhiều, trong khi tình hình đánh bắt thủy, hải sản ngày càng khó khăn, sản lượng ít hơn trước đây, lợi nhuận mỗi chuyến đi giảm.
Ông Lâm Văn Út, ngụ ấp Vàm Biển, xã Lình Huỳnh (Hòn Đất) cho biết: “Tôi có 1 cặp tàu công suất 450CV. Dù biết giá dầu tăng, nhưng vì mưu sinh chúng tôi vẫn tiếp tục ra khơi. Trước đây, mỗi chuyến đánh bắt từ 3 tháng trở lên mới trở về, bây giờ để tiết kiệm chi phí dầu trở về, đánh bắt tới đâu, tôi bán cho các tàu thu mua. Nhờ đó, khoản chi phí tiết kiệm được bù đắp cho phần chi phí dầu tăng, lợi nhuận có giảm nhưng vẫn duy trì được”.
Nhiều tàu cá tại xã Lình Huỳnh (Hòn Đất) neo đậu, không ra khơi do chi phí xăng, dầu tăng cao.
Ông Võ Ngọc Thu - chủ doanh nghiệp đánh bắt thủy sản xã Lình Huỳnh (Hòn Đất) nói: “Giá xăng, dầu tăng, ngư dân chịu ảnh hưởng rất lớn. Tôi rất lo lắng bởi chi phí chuyến đi đánh bắt quá lớn, trong khi lợi nhuận chuyến biển chưa biết có hay không. Không ra khơi, tàu cá nằm bờ, không có tiền trả lãi ngân hàng hàng tháng. Đi đánh bắt thì sợ không đủ chi phí”.
BÙ LỖ ĐỂ DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG
Không chỉ ngành đánh bắt thủy, hải sản chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc xăng, dầu tăng giá, ngành kinh doanh vận tải hành khách cũng đang “đuối sức”. Chưa kịp phục hồi lại sau 3 đợt dịch COVID-19 trước, đợt dịch thứ 4 bùng phát có chiều hướng phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố hạn chế vận chuyển hành khách liên tỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải lâm vào cảnh khó trụ vững.
Ông Nguyễn Mạnh Tường - Giám đốc Hợp tác xã vận tải thủy bộ TP. Rạch Giá cho biết: “Hợp tác xã có 1.006 xe, trong đó có 722 xe tải, 195 xe thuê bao thực hiện 26 tuyến vận tải hành khách cố định, trong đó có 20 tuyến liên tỉnh, 6 tuyến nội tỉnh. Dịch COVID-19 cộng với sự tăng giá xăng, dầu, thành viên trong hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, các tuyến xe liên tỉnh đều ngừng hoạt động, tuyến xe buýt duy trì hoạt động cầm chừng. Do dịch bệnh, người dân hạn chế đi xe buýt, doanh thu mỗi chuyến giảm khoảng 500.000-600.000 đồng, trong khi chi phí xăng, tài xế, nhân viên đã hơn 1,3 triệu đồng/chuyến, doanh nghiệp và chủ xe phải liên tiếp bù lỗ mấy tháng nay”.
Tại kỳ điều chỉnh ngày 11-6-2021 của Bộ Công thương, giá xăng E5 RON 92 tăng 622 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 633 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 633 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh trước đó. Hiện xăng RON 95 có giá 20.164 đồng/lít; xăng E5 RON 92 giá 19.048 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giá 15.448 đồng/lít. |
Việc tăng giá xăng, dầu, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Để giữ chân khách hàng, mặc dù giá xăng tăng nhưng một số doanh nghiệp vận tải vẫn giữ nguyên giá cước vận chuyển. Ông Nguyễn Văn Sáu - chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại TP. Hà Tiên cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lượng hành khách giảm đáng kể. Hiện tại xăng, dầu tăng giá, khó khăn lại càng thêm khó. Tuy nhiên, doanh nghiệp đành chấp nhận, không tăng giá cước để giữ chân khách hàng. Tôi mong đại dịch COVID-19 sớm qua đi để nhu cầu đi lại của người dân trở lại bình thường, doanh nghiệp mới có doanh thu, vượt qua ảnh hưởng giá xăng, dầu tăng”.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: