17/04/2023 09:46
THUẬN LỢI NGAY TỪ ĐẦU VỤ
Theo thông tin từ các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giá nhiều loại phân bón hiện giảm mạnh. Cụ thể, phân u rê dao động từ 500.000-510.000 đồng/bao 50kg, giảm hơn 250.000 đồng/bao so năm 2022. Giá phân DAP dao động từ 1,1-1,2 triệu đồng/bao 50kg, giảm khoảng 100.000 đồng/bao so năm 2022. Phân kali giá 770.000-780.000 đồng/bao, giảm khoảng 130.000 đồng/bao.
Dự báo nhiều loại phân bón có khả năng giảm trong thời gian tới do các doanh nghiệp trong nước đã chủ động sản xuất đáp ứng được nhu cầu trong nước và có dư để xuất khẩu. Để chuẩn bị sẵn sàng cho vụ lúa hè thu, nông dân trong tỉnh Kiên Giang đã đến các cửa hàng, đại lý để đặt hàng, mua phân bón trước.
Ông Lưu Quốc Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Lợi, xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng nói: “Vụ lúa đông xuân vừa qua, nhờ giá phân bón giảm cộng thêm giá lúa duy trì ổn định ở mức cao, thành viên hợp tác xã được một vụ trúng mùa, được giá, năng suất bình quân từ 8,2-8,4 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 4,5 triệu đồng/công. Bước vào sản xuất lúa vụ hè thu năm 2023, thành viên hợp tác xã rất phấn khởi khi giá phân bón có chiều hướng giảm nhiều hơn vụ đông xuân sẽ giúp nông dân hạ giá thành sản xuất, tiết kiệm chi phí, nâng cao lợi nhuận”.
Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Lợi, xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) thăm đồng.
Bên cạnh những tín hiệu vui từ thị trường phân bón, tình hình thời tiết năm nay được dự báo khá thuận lợi cho công tác gieo sạ vụ lúa hè thu năm 2023. Theo dự báo từ Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang, mùa mưa sẽ bắt đầu vào khoảng cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Tuy nhiên, trước đó sẽ có những đợt mưa chuyển mùa với lượng mưa vừa, mưa to xảy ra cục bộ kéo dài từ đầu tháng 4 đến khi mùa mưa bắt đầu.
Nắng nóng xảy ra trên diện rộng từ cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 5. Thời tiết có mưa tạo điều kiện cho nông dân vệ sinh đồng ruộng, gieo sạ đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
Vụ lúa hè thu năm 2023, gia đình ông Lê Thanh Phong, ngụ ấp Ngọc Vinh, xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng xuống giống 1,2ha lúa giống OM5451 được hơn 20 ngày. Ông Phong cho biết: “Diện tích lúa nằm trong khu vực đê bao của hợp tác xã, có hệ thống trạm bơm điện, cấp nước đầy đủ, kịp thời, cộng thêm thời tiết thuận lợi, toàn bộ diện tích lúa sau khi gieo sạ phát triển tốt, cây lúa khỏe, ít tốn công dặm lại”.
KHÔNG NÓNG VỘI GIEO SẠ LẤP VỤ
Thị trường lúa gạo trong nước tiếp tục ghi nhận những tín hiệu lạc quan, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều quốc gia như Philippines, Pakistan, Hàn Quốc và các nước châu Âu tăng, tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam có thêm đơn hàng.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, thị trường lúa gạo của Việt Nam sẽ rộng cửa cho đến hết năm 2023. Giá lúa cao, nông dân sản xuất vụ đông xuân có lãi nên rất háo hức chuẩn bị gieo sạ vụ hè thu năm 2023.
Hiện một số nơi nông dân sau khi thu hoạch vụ đông xuân đã tiến hành gieo sạ lấp vụ hè thu 2023. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng, các xã Hòa An, Hòa Lợi, Hòa Hưng, Hòa Thuận vừa thu hoạch xong diện tích lúa đông xuân, nông dân bắt tay ngay vào vệ sinh, làm đất, xuống giống vụ hè thu. Đến nay, huyện Giồng Riềng có gần 16.000ha lúa hè thu đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đòng trổ.
Tại huyện Hòn Đất, một số xã như Bình Giang, Mỹ Phước thực hiện gieo sạ sớm vụ hè thu 2023, chủ yếu trên nền đất sản xuất 3 vụ lúa/năm.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang khuyến cáo hiện nay là cao điểm mùa khô, nắng nóng, nhiệt độ cao không phù hợp để xuống giống. Để sản xuất vụ lúa hè thu thắng lợi, nông dân cần tuân thủ theo khuyến cáo lịch thời vụ gieo sạ từ ngành nông nghiệp, đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ đông xuân và hè thu tối thiểu 3 tuần để tránh tình trạng ngộ độc hữu cơ do rơm rạ chưa kịp phân hủy. Các địa phương bị ảnh hưởng mặn xâm nhập cần hướng dẫn nông dân kiểm tra độ mặn trước khi gieo sạ, bơm tưới.
Nông dân chú ý lựa chọn giống lúa phù hợp, tập trung sản xuất các giống lúa cho chất lượng cao, tạo thuận lợi về đầu ra, tăng cường công tác kết nối, liên kết với doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ ngay từ đầu vụ để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm…
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: