17/09/2022 10:16
Theo Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vĩnh Thuận - Trịnh Tài Hiền, huyện chú trọng phát hiện, khuyến khích cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, chủ thể sản xuất đầu tư máy móc, khoa học, kỹ thuật vào sản xuất theo hướng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Đồng chí Trịnh Tài Hiền cho rằng: “Đây được xem là giải pháp căn cơ giúp tôn vinh, quảng bá tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời giúp công nghiệp nông thôn phát triển bền vững, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân”.
Sau gần 20 năm sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, anh Trương Kim Bi, ngụ ấp Đập Đá 1, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) quyết định bỏ phố về quê. Dưới sự hướng dẫn và khuyến khích của địa phương, năm 2019, anh Bi xây dựng và cho ra mắt sản phẩm cốm gạo Bibo, cơ sở sản xuất tại ấp Đập Đá 1.
Tận dụng nguồn nguyên liệu là gạo ST25 được trồng trên nền đất nuôi tôm, anh Bi tạo nên sản phẩm cốm gạo với sự kết hợp của hơn 10 loại nguyên liệu như mè, rong biển, đậu phộng, sâm Ngọc Linh… để đưa món ăn vốn quen thuộc với nhiều người dân vùng nông thôn trở thành sản phẩm có thương hiệu, giá trị kinh tế và đủ tiêu chuẩn cung ứng ra thị trường.
Tham quan quy trình sản xuất cốm gạo Bibo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn cốm gạo Bibo, ấp Đập Đá 1, xã Vĩnh Phong.
Anh Trương Kim Bi - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn cốm gạo Bibo cho biết: “Năm 2021, sản phẩm cốm gạo Bibo được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Đây là tiền đề để tôi mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất từ hộ kinh doanh lên thành lập công ty. So với thời gian đầu, hiện cốm gạo Bibo tiếp cận được thị trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, một số tỉnh miền Trung và có đơn hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc, trở thành một trong những sản phẩm thuần chay được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng”.
Hiện công suất tối đa của công ty là 3.000 hộp/ngày, bình quân mỗi năm công ty cung ứng 50.000 hộp ra thị trường, giá bán 50.000 đồng/hộp, từ đó giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, thu nhập mỗi lao động khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Năm 2021, Vĩnh Thuận có 50 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản, đồ uống và nhóm sản phẩm khác được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, 45 sản phẩm được công nhận cấp tỉnh, 3 sản phẩm được công nhận cấp khu vực và 1 sản phẩm đạt cấp quốc gia. Sau bình chọn đã thực hiện 5 đề án hỗ trợ đầu tư máy móc, 1 đề án hỗ trợ phòng trưng bày với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng…
Nhiều sản phẩm từ Vĩnh Thuận có chất lượng tốt như vỏ, xuồng, chẹt composite, tôm khô, kẹo chuối, kẹo dẻo, chao đậu nành. Các cơ sở được hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu hiện đang giải quyết việc làm cho khoảng 150 lao động địa phương.
Bên cạnh sản xuất truyền thống, có nhiều cơ sở, hợp tác xã được đầu tư hàng trăm triệu đồng và hoạt động hiệu quả. Anh Phạm Văn Nhớ - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Thanh, xã Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận cho biết: “Khi thành lập hợp tác xã, mỗi thành viên góp vốn với tổng số vốn 200 triệu để xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc. Sau 2 tháng hoạt động, hợp tác xã có lãi. Thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục xây dựng thương hiệu, đảm bảo về chất lượng để tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng, ổn định đầu ra”.
Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn ở huyện Vĩnh Thuận góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng lượng hàng hóa và gia tăng tốc độ phát triển của nền kinh tế. Song song đó còn giúp giữ gìn, phát triển nhiều nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một và thay đổi dần nhận thức trong sản xuất của người dân.
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: