28/06/2022 16:57
Trải qua 20 năm xây dựng, trưởng thành, Viettel Kiên Giang từng bước lớn mạnh, vươn lên trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. Mỗi giai đoạn đi qua là một chặng đường đầy khó khăn, vất vả, trăn trở suy nghĩ tìm hướng đi phù hợp, để lại những dấu ấn quan trọng của Viettel trên mọi lĩnh vực hoạt động.
Ngày 1-7-2002, Trung tâm viễn thông Kiên Giang (hay còn gọi là POP Kiên Giang), tiền thân của Viettel Kiên Giang ngày nay chính thức được thành lập với lực lượng nhân sự ban đầu 6 người, trụ sở làm việc phải đi thuê. Chỉ 2 tháng sau, ngày 1-9-2002, dịch vụ điện thoại đường dài 178 của Viettel ra đời, mang lại lợi ích cho người sử dụng dịch vụ viễn thông. Sự kiện này được dư luận quan tâm và khách hàng ủng hộ.
Ngày 20-11-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức lễ ký kết hợp tác xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025. Ảnh: ĐẶNG LINH
Để chuẩn bị cho việc khai trương dịch vụ di động năm 2004, trạm phát sóng di động đầu tiên tại Kiên Giang đã được xây dựng tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Ngay sau đó là một giai đoạn đầy khó khăn, gian khổ khi cán bộ, nhân viên Viettel Kiên Giang ngày đêm triển khai lắp trạm, kéo cáp trên các ấp, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Từ 20 trạm BTS ban đầu, đến nay Viettel Kiên Giang có hơn 2.000 trạm BTS (2G, 3G, 4G), đưa “cánh” sóng Viettel phủ khắp các ấp cùng ngõ hẻm.
Không dừng lại ở phủ sóng đất liền, từ tầm nhìn kinh tế biển, những năm qua, Viettel nỗ lực xây dựng hạ tầng viễn thông biển, đảo phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Tại Kiên Giang, với gần 100 trạm biển, đảo trải dài trên các khu vực trọng yếu đã góp phần phục vụ cho hàng trăm ngàn ngư dân đánh bắt xa bờ, thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo của tỉnh nhà. Sóng của Viettel phủ khắp các đồn biên phòng, khu vực biên giới trên biển, đất liền, vươn ra cả những nơi khó khăn, xa xôi nhất như Phú Quốc, Thổ Chu.
Đồng chí Nguyễn Lưu Trung (thứ năm, từ phải qua) - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Trung tá Trần Phước Ninh (thứ sáu, từ phải qua) - Giám đốc Viettel Kiên Giang trao tặng máy tính bảng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: NGUYỄN HƯỜNG
Hiện Viettel đã làm chủ công nghệ 5G và đi đầu trong triển khai 4G, 5G, là một trong 6 nhà mạng nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G. Đích đến của Viettel là một hạ tầng lớn hơn, phục vụ dân sinh, đất nước. Đến thời điểm hiện tại, Viettel phủ sóng tới 100% xã và 95% dân số cả nước. Thời gian tới, Viettel sẽ triển khai hạ tầng 5G rộng khắp tại các tỉnh, thành khác trên toàn quốc và người dân tại Kiên Giang sẽ sớm có cơ hội được trải nghiệm, tiếp cận với công nghệ hiện đại, tiên tiến.
- Phóng viên: Theo ông, đâu là nhân tố quyết định làm nên sự thành công của Viettel Kiên Giang?
- Trung tá Trần Phước Ninh: Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, có được thành công như hôm nay là sự đóng góp công sức của hàng ngàn cán bộ, nhân viên, sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện của lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố, những người luôn đồng hành, giúp đỡ Viettel Kiên Giang ngay từ những ngày đầu tiên. Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự ủng hộ của hàng triệu khách hàng đã, đang sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của Viettel.
Tập thể cán bộ, nhân viên Viettel Kiên Giang. Ảnh: TÂY HỒ
- Phóng viên: Thời gian qua, Viettel Kiên Giang đã có sự đầu tư như thế nào về yếu tố con người, thưa ông?
- Trung tá Trần Phước Ninh: Nhận biết con người là yếu tố sống còn, là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển doanh nghiệp, ngay từ những ngày đầu thành lập, Viettel Kiên Giang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng những người Viettel giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, vững về kiến thức, hiểu về văn hóa, cách làm của Viettel. Khi mới bước chân vào ngôi nhà chung Viettel, các nhân viên mới được tham gia một khóa học về văn hóa, lịch sử, cách làm của Viettel. Hiểu về văn hóa, hiểu về cách làm thì mới có thể cống hiến hết mình cho Viettel một cách trọn vẹn nhất. Sau đó là thời gian đào tạo kiến thức chuyên ngành gắn liền với các hoạt động thực tế. Ngoài ra, hàng năm, Viettel thường xuyên có nhiều khóa đào tạo để cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, nhân viên để đội ngũ này làm chủ được kiến thức, công nghệ trong thời đại kỷ nguyên số.
- Phóng viên: Xin ông cho biết Viettel Kiên Giang đã đồng hành cùng địa phương trong việc xây dựng xã hội số trong tương lai như thế nào? Thời gian qua, Viettel Kiên Giang đã có những việc làm nào để góp phần cùng tỉnh thực hiện công tác an sinh xã hội?
- Trung tá Trần Phước Ninh: Năm 2020, Viettel và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong việc triển khai đề án xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh gồm 5 nội dung: Triển khai hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin; xây dựng chính quyền điện tử; xây dựng đô thị thông minh; triển khai mở rộng các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin; thực hiện chuyển đổi số trên cả 3 lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Việc triển khai đề án này sẽ góp phần giúp chất lượng sống của người dân tốt hơn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững. Đây chính là bước khởi đầu quan trọng để Kiên Giang đẩy nhanh xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền số, kinh tế số.
Trung tá Trần Phước Ninh (bên phải) - Giám đốc Viettel Kiên Giang trao bảng tượng trưng tặng học bổng “Vì em hiếu học” năm học 2021-2022 trị giá 240 triệu đồng cho Hội Khuyến học tỉnh. Ảnh: ĐẶNG LINH
Tiếp tục thực hiện triết lý “Gắn kết hoạt động sản xuất, kinh doanh với các hoạt động xã hội”, trong suốt 20 năm qua, Viettel Kiên Giang luôn tích cực, chủ động, đi đầu trong việc thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa phương, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Viettel Kiên Giang đã xây dựng tuyến đường giao thông liên xã hàng chục tỷ đồng tại huyện Gò Quao; xây nhà cho người nghèo, khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân, mang lại cơ hội sống cho hàng trăm trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh với chương trình “Trái tim cho em”. Ngoài ra, Viettel Kiên Giang tiếp sức cho hàng ngàn học sinh hiếu học đến trường bằng các chương trình “Vì em hiếu học”, trang bị máy tính bảng miễn phí, cung cấp đường truyền miễn phí cho học sinh...
Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng và điều hành thông tin (S.O.C) của tỉnh được triển khai dựa trên nền tảng dịch vụ giám sát an toàn thông tin của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Ảnh: NGUYỄN HƯỜNG
2 năm gần đây, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Viettel Kiên Giang tích cực hỗ trợ quà, các vật dụng, lương thực, thực phẩm thiết yếu, trang thiết bị, máy móc, công nghệ cho lực lượng tuyến đầu để tăng hiệu quả công việc, giúp các y, bác sĩ, bộ đội biên phòng an tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Năm 2002, doanh thu Viettel Kiên Giang chưa đến 100 triệu đồng. Từ năm 2018 đến nay, doanh thu của Viettel Kiên Giang liên tục giữ vững trên 1.000 tỷ đồng, duy trì vị thế tăng trưởng thị phần di động đứng đầu của tỉnh. |
- Phóng viên: Cảm ơn ông!
ĐẶNG LINH (thực hiện)
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: