07/02/2025 16:41
THU NHẬP CAO VỚI KHAY GIẤY
Sau thời gian dài làm công nhân ở nhiều công ty, xí nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, anh Trương Út Sao về quê ở ấp Xẻo Đước 1, xã Đông Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) mở xưởng sản xuất khay đựng trứng gà, vịt tái chế từ giấy vụn, thùng mì qua sử dụng.
Anh Sao nói: “Ở Bình Dương, tôi làm khâu kỹ thuật của xưởng sản xuất khay để trứng, khay làm giá thể nuôi dế, sâu canxi nên nắm được kỹ thuật sản xuất. Sau đại dịch COVID-19, tôi không đi làm công nhân nữa mà ở nhà mở xưởng làm khay đựng trứng, nuôi dế. Hiện sản phẩm cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận”.
Nhân công phơi khay giấy tại xưởng sản xuất của anh Trương Út Sao ở ấp Xẻo Đước 1, xã Đông Yên (An Biên).
Bước đầu lập nghiệp tại quê nhà anh Sao gặp không ít khó khăn như vận hành thử nghiệm nhiều lần thì quy trình sản xuất mới được hoàn thiện và hoạt động ổn định. Hiện xưởng của anh Sao sản xuất với sản lượng từ 400kg đến 1 tấn khay giấy thành phẩm/ngày tùy theo đơn đặt hàng, giải quyết việc làm ổn định cho 3 công nhân. Với giá bán dao động từ 10.000 đồng/khay đựng trứng gà, vịt và 11.500 đồng/khay nuôi dế, trừ chi phí anh Sao thu lãi khoảng 1,4 triệu đồng/ngày.
Anh Sao cho biết: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu vốn sản xuất và mặt bằng để phơi sản phẩm sau khi ép sản phẩm thành hình. Nếu đủ vốn tôi sẽ mở rộng cơ sở sản xuất, thuê thêm nhân công do nhu cầu đầu ra lớn, sản lượng hiện không đủ cung ứng cho thị trường”. Một điều mà anh Sao rất tâm đắc khi lập nghiệp với xưởng sản xuất là sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế từ giấy vụn, góp phần giảm rác thải môi trường.
KHẤM KHÁ NHỜ TRỒNG ỔI
Sau 7 năm làm công nhân ở Bình Dương, năm 2019 vợ chồng bà Trần Thị Bé Thùy, ngụ ấp Kênh 10, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) cùng hai con về quê với 500 triệu đồng tích lũy được. Sau khi xây căn nhà tường kiên cố, vợ chồng bà Thùy mua 2 công đất ruộng lập vườn trồng ổi. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, bà Thùy trồng rau má, ngò gai dưới tán ổi, mé mương trồng sả, dưới mương thả bông súng.
Bà Trần Thị Bé Thùy (bên phải), ngụ ấp Kênh 10, thị trấn Tân Hiệp (Tân Hiệp) thu hoạch ổi.
“Rau má, ngò gai trồng hơn 1 tháng là cho thu hoạch, cứ 1 tuần thu hoạch rau má một lần, bán với giá tại vườn từ 15.000-20.000 đồng/kg”, bà Thùy nói. Thu nhập chính của gia đình bà Thùy là từ cây ổi. Theo bà Thùy, trồng ổi ít tốn chi phí, chỉ cần bao trái từ lúc nhỏ ổi sẽ không bị sâu bệnh, gần như không cần sử dụng thuốc trừ sâu, vừa nhẹ công, nhẹ chi phí, lại bán được giá. Mỗi ngày bà Thùy thu hoạch bán từ 50-60kg ổi, giá bình quân 7.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi từ 300.000-400.000 đồng/ngày.
Với phương châm chỉ sản xuất theo hướng an toàn cho sức khỏe người dùng, bà Thùy ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ từ rơm rạ hoai mục cho cây trồng. Từ ổi, ngò gai, rau má, sả, bông súng, mỗi ngày vợ chồng bà Thùy có thu nhập ít nhất 500.000 đồng.
Bà Thùy nói: “Làm nông dân chủ động giờ giấc và ít áp lực thời gian hơn so với lúc làm công nhân. Khỏe làm, mệt nghỉ, quan trọng là biết phân phối thời gian hợp lý để chăm sóc, thu hoạch đúng thời điểm để bán được giá”.
Bài và ảnh: ĐÔNG HƯNG
(KGO) - Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang thông báo sẽ có hai đợt triều cường cao trong tháng 2-2025, có thể gây ngập úng và xâm nhập mặn vào nội đồng. Đợt triều cường đầu tiên từ ngày 8 đến 10-2 và đợt hai từ ngày 25 đến 27-2.
Tổng số lượt truy cập: