28/09/2022 16:53
Thời điểm này, cánh đồng xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao (Kiên Giang) nước đã tràn đồng. Trái với những nghề mưu sinh như đánh bắt thủy sản hoạt động nhộn nhịp, những hộ nuôi vịt chạy đồng như hộ anh Nguyễn Lập Đức, ngụ ấp 10, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc phải vất vả di chuyển đàn vịt nuôi đến những cánh đồng khác tìm thức ăn. Đến nơi mới, anh Đức mất thêm khoản chi phí vài trăm ngàn đồng một hecta để “mua đồng”.
“Nuôi vịt chạy đồng mùa nước nổi cực lắm vì đồng ngập hết không còn lúa cho vịt ăn, tôi phải chạy vịt dài dài xuống các xã lân cận còn lúa chưa cắt. Ở những đồng gần, vịt được di chuyển trên đường hoặc kênh, mương. Nếu di chuyển đi xa phải dùng ghe chở vịt tốn 3-4 triệu đông/lượt. Từ lúc nuôi vịt tới giờ, tôi toàn chạy đồng để tiết kiệm chi phí nuôi, chỉ trừ khi đồng nhà cắt lúa mới không phải đi xa”, anh Nguyễn Lập Đức nói.
Mùa nước nổi năm nay, Kiên Giang chủ trương canh tác lúa vụ 3 với diện tích 80.000ha trong tổng số gần 280.000ha sản xuất lúa, còn lại sẽ xả đập đón lũ hoặc nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi.
Hiện toàn tỉnh có tổng đàn vịt khoảng 1,3 triệu con, trong đó vịt đẻ khoảng 680.000 con. Thời điểm này, người chăn nuôi vịt phải di chuyển đàn vịt đi xa, thậm chí ngoài tỉnh để chăn thả. Việc liên tục chạy đồng vốn đã vất vả, song thời tiết mưa nắng thất thường cũng là trở ngại lớn đối với người làm nghề này.
Sau khi bầy vịt đã ăn no trên các cánh đồng, anh Dương Văn Ẩn, ngụ ấp Kênh 8B, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) lùa bầy vịt về nhà.
Đang lùa bầy vịt qua cánh đồng xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), anh Dương Văn Ẩn, ngụ ấp Kênh 8B, xã Thạnh Đông A. huyện Tân Hiệp cho biết: “Đồng nhà giờ ngập rồi nên tôi phải tìm đồng khác. Sau khi vịt đã có chỗ ăn mới, tôi ngồi trên bờ nhìn chúng ăn, chiều lùa về. Có khi cầm vịt giữa đồng, gặp trời mưa, tôi phải mặc áo mưa ngồi chịu trận. Trứng vịt gặp mưa đen thui, bán giá rẻ hơn”.
Với 5.000 con vịt đẻ, hiện mỗi ngày anh Ẩn thu hoạch 4.000 trứng, bán giá 2.500 đồng/trứng. Thức ăn chủ yếu của vịt là lúa rơi vãi trên đồng và trứng ốc, ốc bươu vàng… nên mỗi ngày anh Ẩn thu lãi 10 triệu đồng. Tuy nhiên, việc anh Ẩn lưu lại ở đây không lâu, bởi trong đê bao này nông dân đang tất bật xuống giống lúa vụ 3.
Giăng lưới phân ranh, sơn màu cho vịt là cách để người nuôi vịt chạy đồng quản lý số lượng đàn gia cầm. Để nhận biết vịt khi bị lẫn lộn, chủ vịt sẽ dựa theo màu sơn ở cánh của chúng, vì mỗi đàn vịt có một màu sơn và vị trí sơn khác nhau.
Công việc vất vả là vậy, nhưng có lẽ thu gom trứng là lúc các chủ vịt mong chờ nhất. Trung bình 1.000 con vịt đẻ chạy đồng mỗi ngày sẽ cho hơn 700-800 trứng. Tuy nhiên, vào mùa nước nổi, do phải di chuyển nhiều, khả năng cho trứng của vịt nuôi giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Đầy, ngụ xã Bình Thạnh Đông, huyện Châu Phú (An Giang), đang chăn thả bầy vịt 5.000 con tại xã Tân Thạnh, huyện Tân Hiệp nói: “Do di chuyển nên vịt bị mất sức, vịt “rớt hột” giảm đáng kể. Người nuôi chỉ còn biết lấy rơm trải để vịt đẻ trứng sạch sẽ, không dính đất bùn để bán được giá hơn”.
Dân gian có câu “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”. Câu nói này có lẽ đủ phản ánh sự vất vả, cực nhọc của nghề nuôi vịt. Song hiện tại bằng những kinh nghiệm thích ứng của các hộ nuôi cùng những chính sách hỗ trợ vốn vay, công tác tiêm phòng bệnh cho đàn vịt đã giúp người nuôi vịt tiếp tục trụ vững và phát triển nghề nuôi.
Bài và ảnh: AN LÂM
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: