04/01/2022 08:51
TÔM KHÔ VÀO MÙA
Những ngày này, tại cơ sở sản xuất tôm khô của bà Nguyễn Thị Ánh (61 tuổi), ngụ khu phố 2, phường Tô Châu (TP. Hà Tiên), công nhân đang tất bật nhập tôm nguyên liệu, luộc tôm và phơi tôm. Cơ sở sản xuất tôm khô của bà Ánh được gây dựng 52 năm, là một trong những cơ sở sản xuất tôm khô lớn ở TP. Hà Tiên. Tết Nguyên đán năm 2022, cơ sở của bà dự kiến sản xuất trên 10 tấn tôm khô, phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.
Theo bà Ánh, tất cả quy trình làm tôm khô của gia đình đều được làm thủ công, không dùng chất bảo quản nên chất lượng luôn được đảm bảo. Muốn tôm khô ngon, quan trọng ở khâu luộc tôm và ướp muối sao cho vừa ăn. Sau khi tôm luộc xong, đem phơi cho thật khô. Thông thường những ngày nắng chỉ cần phơi từ 2-3 ngày. Trong lúc phơi tôm, phải phơi ra từng lớp mỏng cho mau khô, không bị ẩm, tránh hư hỏng. Tiếp theo là đập vỏ tôm và phân loại tôm theo từng kích cỡ khác nhau, sau đó cho tôm vào bọc cân theo ký.
Tại cơ sở sản xuất tôm khô của bà Lê Xuân Mai, ngụ tổ 6, khu phố 2, phường Bình San (TP. Hà Tiên) cũng tất bật làm tôm khô bán trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Bà Mai cho biết: “Năm nay sản phẩm tôm khô được khách hàng các tỉnh đặt nhiều nên cơ sở tôm khô của gia đình tôi hoạt động xuyên suốt hơn một tuần nay. Nếu để lâu tôm khô sẽ không ngon nên cứ làm xong mẻ nào sẽ giao hết mẻ đó, đảm bảo cho khách hàng được dùng sản phẩm mới nhất”. Theo bà Mai, tôm khô Hà Tiên được chế biến từ tôm bắt dưới sông, biển Hà Tiên và khu vực đầm Đông Hồ. Sản phẩm tôm khô được phân thành nhiều loại khác nhau tùy kích cỡ và màu sắc của tôm khô. Hầu hết sản phẩm tôm khô Hà Tiên đều được phân phối tại các hệ thống bán lẻ của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông Nguyễn Thành Tấn, ngụ ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải (TP. Hà Tiên) gỡ khô cá chỉ sau khi phơi đặng nắng.
Ngoài tôm khô, TP. Hà Tiên còn có thương hiệu cá khô đảo Hải Tặc nổi tiếng. Bà Bùi Thị Nối, ngụ ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải (TP. Hà Tiên) có thâm niên 50 năm làm khô cá biển. Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, bà Nối xếp từng con khô cá ảo ra giàn phơi. Đối với cá ảo, bà Nối thường ướp vị mặn vừa ăn, còn các loại cá khác như cá chỉ, cá đù, cá đỏ thường ướp vị ngọt. “Hiện mỗi ngày tôi nhận làm 200kg khô từ khách, làm đủ số lượng giao xong tôi mới nhận tiếp. Gần tết khách đặt nhiều lắm, nhưng tôi chỉ nhận mỗi ngày 200kg, vì làm thủ công, nếu nhận nhiều quá sẽ làm không kịp giao”, bà Nối cho biết.
KHÔ CÁ SẶC RẰN U MINH THƯỢNG ĐƯỢC GIÁ
Người dân huyện U Minh Thượng đang vào mùa làm khô cá sặc rằn phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán năm 2022. Tại các hộ gia đình làm khô cá sặc rằn, những giàn phơi được thiết kế san sát nhau, nối dài, nhiều nhân công nhanh tay trở cá cho đặng nắng. Anh Nguyễn Đức Quốc, ngụ ấp Cạn Ngọn A, xã Thạnh Yên (U Minh Thượng), một trong những hộ làm khô cá sặc rằn nổi tiếng tại U Minh Thượng cho biết: “Để chuẩn bị khô cá sặc rằn kịp bán dịp tết nguyên đán, từ giữa năm chúng tôi đã tuyển lựa, đặt cọc mặt hàng cá ngon làm nguồn nguyên liệu. Đến nay, tôi nhận làm trên 500kg khô cá sặc rằn phục vụ thị trường tết nguyên đán sắp tới. Dù giá khô cá sặc rằn của huyện U Minh Thượng cao hơn so với khô cùng loại ở các nơi khác, nhưng do làm chất lượng với mùi vị đặc trưng riêng nên sản phẩm khô cá sặc rằn nơi đây năm nào cũng hút hàng, được giá”.
Theo anh Nguyễn Đức Quốc, các hộ dân trong huyện U Minh Thượng chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của chủ mối, chủ vựa. Tùy theo địa điểm giao hàng, người làm khô sẽ cung cấp các loại khô khác nhau. Chẳng hạn, nếu bán ở chợ tỉnh thì phơi một nắng rưỡi, còn bán đi TP. Hồ Chí Minh phơi 2 nắng để bảo quản cá được lâu. Vì thế giá bán có sự khác biệt, nếu bán trong tỉnh giá khoảng 300.000-320.000 đồng/kg, còn bán đi TP. Hồ Chí Minh giá từ 380.000-420.000 đồng/kg khô loại 1. Ngoài khô cá sặc rằn, người dân U Minh Thượng còn làm thêm khô cá lóc, cá sặc bổi để phục vụ thị trường tết.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: