03/10/2023 10:41
Ông Đào Ngọc Phán năm nay 75 tuổi, là bộ đội xuất ngũ, quê ở tỉnh Nam Định. Hơn 30 năm trước, ông về lập nghiệp tại ấp Đá Nổi B, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp với hai bàn tay trắng. Số tiền tiết kiệm từ làm thuê có được, ông Phán mua 6 công đất hoang để cải tạo canh tác.
Ông Phán chia sẻ: “Những năm 1990, gia đình tôi “thắt lưng buộc bụng” để nuôi 3 người con ăn học với phương châm hy sinh đời bố, củng cố đời con. Những năm đó thật sự vất vả, tưởng chừng không vượt qua được, nhưng từ trong gian khổ, tôi đã phát huy tính tích cực bản chất bộ đội Cụ Hồ cùng với vai trò đảng viên. Năm nay tôi đã 55 năm tuổi Đảng, gia đình tôi đã vượt qua nghèo khó để vươn tới ngày hôm nay”.
Ông Đào Ngọc Phán (người đang chỉ tay) giới thiệu về mô hình sản xuất lúa gắn với nuôi cá với cán bộ trong xã.
Ông Phán có thời gian dài làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hiệp A , huyện Tân Hiệp, được đi tập huấn nhiều lớp, tham quan các mô hình kinh tế của nhiều địa phương nên có lợi thế để vận dụng vào sản xuất. Cùng với bản chất cần cù, chịu khó, ông Phán tìm tòi áp dụng nhiều mô hình làm giàu ngay trên mảnh đất của mình. Tuy nhiên mọi chuyện không dễ dàng, ông Phán đã nhiều lần thất bại khi áp dụng các mô hình như nuôi lươn, nuôi ba ba, trồng cây ăn trái…
Trải qua nhiều lần thất bại, ông Phán không bỏ cuộc mà tìm tòi cách làm hiệu quả hơn. Dần dần, ông Phán mua thêm đất sản xuất, đến nay ông có 7,5ha đất lúa. Do điều kiện đất canh tác của ông Phán nằm ở vùng trũng chỉ có một phần đất cao, nên ông kiên trì san ủi mặt bằng của toàn bộ 7,5ha đất.
Ông xây dựng bờ bao, hệ thống cấp thoát nước hợp lý, chủ động khâu bơm tưới đảm bảo sản xuất 3 vụ lúa/năm. Ông Phán dành riêng 0,5ha để sạ lúa giống phục vụ cho việc sản xuất. Đồng thời, bón phân cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, nên năng suất và chất lượng lúa đạt hiệu quả cao. Bình quân 7,5ha lúa giúp ông Phán có doanh thu khoảng 900 triệu đồng/năm.
“7,5ha lúa của tôi nằm khu vực hạ nguồn của cánh đồng nên nước, cá rút về ruộng lúa của tôi. Tôi dẫn dụ nguồn thủy sản thiên nhiên bằng cách đào hầm, cắm chà, thả mồi dụ cá thiên nhiên. Bằng cách làm này hàng năm tôi không cần đầu tư con giống nhưng vẫn thu về khoảng 100 triệu đồng từ nguồn cá đồng. Bên cạnh đó tôi nuôi vịt đẻ ngay trên mảnh đất tạo thêm thu nhập quanh năm”, ông Phán nói.
Không chỉ có kinh tế ổn định, ông Phán còn lo cho 3 người con ăn học đàng hoàng. Các con của ông hiện có trình độ từ trung cấp đến đại học, có nghề nghiệp ổn định. Ông Phán hiện là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi ấp Đá Nổi B, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp. Mỗi năm từ tiền làm ruộng có được, ông trích ra khoảng 5 triệu đồng để giúp đỡ người cao tuổi nghèo lúc ốm đau, neo đơn...
Ông Phán chia sẻ: “Là đảng viên, bộ đội xuất ngũ, tôi luôn tâm niệm giữ gìn và phát huy những phẩm chất tốt đẹp, xây dựng gia đình văn hóa và góp sức vì cộng đồng, góp phần tô đẹp thêm nét văn hóa ở địa phương”.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: