14/10/2022 16:06
Năm 1980, từ Thanh Hóa, ông Hòa theo anh chị vào miền Nam lúc 17 tuổi. Thời gian sau, ông đến công tác ở nông trường Vĩnh Điều A (Giang Thành), rồi đi học sửa cơ khí.
Nông trường giải thể, vợ chồng ông được chia 2ha và 300 gốc điều, gầy dựng sự nghiệp trong điều kiện vô cùng khó khăn. Đất có, nhưng chỉ canh tác được một vụ lúa mùa. Điện, đường, kênh, mương thủy lợi nội đồng chưa có nên làm lúa rất cực, chủ yếu dựa vào nước mưa.
Có năm tới thời điểm cấy lúa, chưa có nước, ông Hòa phải gánh nước cho người khác cấy. Đất đai khô cằn tới nỗi nước đổ xuống ruộng khô nứt nẻ sôi ùng ục.
Vùng đất mới trăm cái thiếu, nhiều người tới khai hoang rồi lại bỏ đi bởi chịu không nổi cảnh không đường, không điện, không trường lớp, khó khăn tứ bề.
Ông Ngô Thọ Hòa thu hoạch chanh trong vườn nhà.
Ông Ngô Thọ Hòa được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương từ năm 2012-2021, danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019” và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương “Nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2020”. |
Những cái khó vẫn không làm vợ chồng ông Hòa chùn bước. “Đất không bao giờ phụ người!”, với suy nghĩ ấy, vợ chồng ông Hòa tìm đủ mọi cách để bám trụ lại vùng đất này.
Hết đi lái đò, vợ chồng ông nhận chở thuê, dần tích lũy mua máy cày để khai hoang, mua thêm đất, cuộc sống khá dần lên.
Từ khi có kênh Nông Trường, làm được hai vụ lúa, cuộc sống gia đình ông Hòa bắt đầu dễ thở hơn. Ông mua thêm máy cắt làm dịch vụ, bán phân bón.
Ông Hòa cho rằng mình liều lĩnh, trong khi nhiều người khai hoang xong bán đất rồi bỏ đi, ông lại tích cóp để mua. Đến khi điều kiện thuận lợi, với diện tích 50ha đất, cùng hướng sản xuất, kinh doanh dịch vụ phù hợp, kinh tế gia đình ông phất lên. Ông đầu tư máy cắt, máy cày làm dịch vụ và giao cho nhân công quản lý, lợi nhuận được chia đồng đều.
Nhiều người bỏ đất đi, ông Hòa thì ngược lại. Không chỉ tích góp đất sản xuất cho gia đình, ông còn khai hoang thêm đất để rủ bạn bè, người thân vào vùng đất này định cư. Có người được ông Hòa cho vài chục công, có người được ông cho một vài héc ta.
Điện có, đường nông thôn chưa có, ông kiến nghị chính quyền đầu tư đường. Không ai nghĩ giữa vùng đất miền biên viễn Giang Thành một thời hoang vu nay trở thành một vùng đất giàu sức sống với những cánh đồng lúa phì nhiêu nằm cạnh những con đường bê tông thẳng tắp, những vườn cây ăn trái trĩu quả.
Không sở hữu diện tích đất quá lớn, không có lợi nhuận kinh doanh “khủng” nhưng ông Hòa nhiều lần được Hội Nông dân tỉnh chọn là gương mặt tiêu biểu của tỉnh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương, khen thưởng bởi cái tâm và việc làm của một người nông dân Việt chính hiệu. Đó là chuyện sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, san sẻ lúc khó khăn.
Ông Hòa đã hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho trên 30 hộ dân, tạo việc làm cho 30 lao động theo mùa vụ với thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng. Không những thế, ông còn giúp đỡ 20 hộ nghèo, khó khăn về vốn, vật tư, cây, con giống để vượt khó vươn lên.
Bài và ảnh: AN LÂM
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: