26/05/2020 17:02
Trước đây, gia đình anh Phạm Minh Sự chỉ sản xuất lúa, nhưng lợi nhuận không cao. Đi nhiều nơi tham quan mô hình trồng dưa lưới thấy hiệu quả, khoảng tháng 6-2019, anh Sự cải tạo đất trồng lúa sang trồng giống dưa lưới TL3. Giống dưa này có sức sống mạnh, dễ trồng, kháng bệnh; trái tròn, vỏ cứng nên giữ được lâu sau thu hoạch; thịt dưa màu cam, thơm, giòn, ngọt. Thời gian sinh trưởng của cây dưa lưới từ 62 - 65 ngày. Tổng chi phí anh Sự đầu tư ban đầu khoảng 330 - 350 triệu đồng/1.000m2; trong đó hệ thống nhà lưới có thể sử dụng được 10 năm, hệ thống tưới nhỏ giọt thời gian sử dụng tối thiểu 5 năm nên những vụ kế tiếp rất nhẹ chi phí sản xuất.
Mô hình dưa lưới của các hộ Phạm Minh Sự, Thái Văn Liệt, Nguyễn Viết Thành thực hiện trên 4.000m2 gồm 3 nhà lưới lớn, 1 nhà lưới nhỏ. Toàn bộ nguồn giống, phân bón, quy trình kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm dưa lưới do Hợp tác xã trồng rau an toàn Phước An, xã Phước An, huyện Hớn Quản (Bình Phước) thực hiện. Anh Nguyễn Viết Thành nhận định, dưa lưới trồng túi giá thể trong nhà lưới đạt hiệu quả cao. “Trồng dưa lưới trong túi giá thể giúp người trồng dễ dàng kiểm soát chính xác lượng nước tưới và dinh dưỡng trên từng cây trồng, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Dưa trồng trong nhà lưới giúp hạn chế sâu bệnh và được chúng tôi áp dụng quy trình tưới nhỏ giọt, hầu hết sử dụng phân sinh học, hữu cơ nên năng suất đạt cao. Cây trước khi thu hoạch được cách ly bón phân từ 25 - 30 ngày, do đó sản phẩm rất an toàn cho người tiêu dùng”, anh Thành nói.
Anh Nguyễn Viết Thành thực hiện phương pháp thụ phấn dưa bằng ong với khoảng 22.000 con ong thụ phấn cho 1.000m2 liên tục 5 ngày. Phương pháp này tiết kiệm nhân công, thời gian, đem lại hiệu quả cao hơn so thụ phấn bằng tay. Mỗi cây dưa, anh Thành chỉ để 1 trái để dưa đạt chất lượng cao nhất. Bình quân dưa cho năng suất 2,8 - 3,5 tấn/1.000m2. Sau khi thu hoạch được bao tiêu với giá từ 30.000 - 33.000 đồng/kg. Với giá này, trừ chi phí, người trồng lãi từ 50 - 70 triệu đồng/1.000m2/vụ. Mỗi vụ dưa lưới kéo dài khoảng 3 tháng. Bình quân mỗi năm, có thể trồng được 3 - 4 vụ và lấy lại đầu tư vốn ban đầu sau khoảng 1 - 1,5 năm.
Mô hình trồng dưa lưới theo hướng an toàn của các hộ anh Phạm Minh Sự, Thái Văn Liệt, Nguyễn Viết Thành được nhiều nông dân trên địa bàn huyện Hòn Đất quan tâm và học hỏi. Anh Lương Tấn Phát, ngụ ấp Sơn Thành, xã Nam Thái Sơn nói: “Đến tham quan mô hình trồng dưa lưới, tôi thấy đây là mô hình sản xuất đem lại lợi nhuận cao, quy trình sản xuất khép kín, sản phẩm làm ra an toàn cho người tiêu dùng. Tôi sẽ bàn với gia đình thử nghiệm thực hiện mô hình này”. Đến tìm hiểu mô hình trồng dưa lưới theo hướng an toàn, đồng chí Phạm Thành Trăm - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh đánh giá trước mắt thấy mô hình trồng dưa trong nhà lưới giảm sâu bệnh, hiệu quả kinh tế khá cao. “Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ xây dựng các mô hình tương tự, nhất là ở các hợp tác xã có năng lực về kinh tế hướng đến xây dựng nông nghiệp sạch, an toàn. Dự kiến trong năm 2020, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp địa phương hỗ trợ một hợp tác xã ở thị trấn Sóc Sơn (Hòn Đất) thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà lưới”, đồng chí Phạm Thành Trăm cho biết.
Hòn Đất có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp trên 95.000ha, trong đó đất chuyên trồng lúa trên 80.000ha/vụ với 18 hợp tác xã, 129 tổ hợp tác. Đây là tiềm năng lớn để huyện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo xu hướng, nhu cầu của thị trường, hướng đến nền nông nghiệp sạch. Đồng chí Lê Văn Giàu - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất cho biết ngành nông nghiệp huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình sản xuất nông sản sạch, an toàn. Sắp tới, phòng tổ chức cho các hộ dân tham quan, học tập nhằm hướng đến nhân rộng mô hình trồng dưa lưới theo hướng an toàn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân và phối hợp các doanh nghiệp thực hiện các mô hình trồng rau an toàn trên địa bàn thị trấn Sóc Sơn, xã Mỹ Thuận và trồng khoai lang ở xã Mỹ Thái theo hướng an toàn. Qua đó, nhằm giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, tiếp cận với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác.
TRÚC LINH
(KGO) - Mô hình điểm nông nghiệp đô thị công nghệ cao triển khai tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thanh niên tỉnh Kiên Giang với diện tích 800m2. Mô hình với nhiều sản phẩm nông nghiệp như dưa lưới, táo, cà chua, các loại rau… không sử dụng hóa chất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Tổng số lượt truy cập: