01/03/2022 15:04
DÂU TẰM “BÉN RỄ” VÙNG ĐẤT TP. RẠCH GIÁ
Mục sở thị khu vườn dâu tằm trồng xen cà na Thái của anh Ngô Phú Vinh, tôi bị cuốn hút bởi những trái dâu tằm chín có màu đỏ bắt mắt. Nhiều người ngỡ ngàng bởi loại cây này vốn xuất xứ từ xứ lạnh nhưng khi trồng tại TP. Rạch Giá vẫn phát triển xanh tốt, trái vẫn bóng và có vị ngọt thanh, chất lượng không thua kém dâu tằm trồng ở Đà Lạt. Đưa tay hái vài chùm trái dâu tằm chín đỏ còn sót lại trên cây, anh Vinh nói: “Tôi vừa mới thu hoạch dâu tằm cách đây vài ngày nên lượng trái còn lại trên cây rất ít. Bình quân 3 tháng có một đợt thu hoạch dâu, mỗi đợt kéo dài khoảng 20 ngày. Trái thu hoạch bao nhiêu bán hết bấy nhiêu và không đủ cung cho thị trường”. Theo anh Vinh, để có được thành công hôm nay, anh trải qua thời gian chịu khó tìm tòi, mạnh dạn trồng thử nghiệm giống cây trồng mới và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trước đây, gia đình anh Vinh trồng rẫy, nhưng thu nhập bấp bênh do giá không ổn định, đầu ra khó khăn. Nhằm cải thiện kinh tế gia đình, anh Vinh dự định chuyển sang trồng loại cây có giá trị kinh tế cao. Có lần tham quan một vườn dâu tằm ở tỉnh An Giang, anh Vinh suy nghĩ: “Cây dâu tằm Đà Lạt có thể phát triển tốt tại vùng đất An Giang thì vẫn có thể trồng ở Kiên Giang”. Với suy nghĩ này, anh Vinh mua 10 cây giống dâu tằm về nhà trồng thử. Chỉ sau thời gian ngắn, cây dâu tằm “bén rễ” với vùng đất Rạch Giá và phát triển xanh tốt. Thấy vậy, anh mạnh dạn cải tạo lại đất vườn, vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng để trồng dâu tằm, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động góp phần giảm công chăm sóc.
Anh Vinh cho biết, thời gian đầu chưa rành kỹ thuật trồng và chưa có kinh nghiệm xử lý đúng thời điểm để cây ra trái nên cây dâu tằm trồng khoảng 1 năm tuổi vẫn chưa cho trái nhiều. Một lần, anh phun thuốc diệt cỏ trong vườn, có một cây dâu tằm do “bén” hơi thuốc nên rụng hết lá, sau đó ra trái sum suê. Từ đó, anh Vinh tìm hiểu thêm và biết cách xử lý cây để cho trái nhiều.
Anh Ngô Phú Vinh bên vườn dâu tằm trồng xen kẽ cà na Thái của gia đình.
Những đợt đầu thu hoạch, anh Vinh gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm do đây là loại trái mới ở địa phương, nhiều người chưa biết chế biến các sản phẩm từ trái dâu. Thấy vậy, anh cùng gia đình giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, qua bạn bè. Gia đình anh chế biến các sản phẩm từ trái dâu tằm như sirô dâu, mứt dâu, rượu dâu, vừa bán, vừa tăng cường giới thiệu sản phẩm. Qua những lần sử dụng sản phẩm từ trái dâu thấy ngon nên khách hàng tìm đến gia đình anh Vinh mua. Nhiều người mua trái dâu tằm về tự chế biến sản phẩm để bán. Dần dần, số lượng đặt mua trái dâu tằm ngày càng tăng.
MỞ RỘNG VƯỜN DÂU, HƯỚNG ĐẾN DU LỊCH SINH THÁI
Hiện vườn dâu tằm của gia đình anh Vinh có 400 cây. Từ việc bán trái dâu tằm tươi, anh Vinh thu lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng/năm. Sau mỗi đợt thu hoạch, anh cho cây nghỉ ngơi một thời gian ngắn, sau đó tuốt lá, cắt ngọn và cành già để cây cho trái vụ tiếp theo. “Dâu tằm tươi thường được bán với giá 50.000 đồng/kg. Trái dâu tằm tươi mua về có thể ăn ngay, làm rượu dâu, mứt dâu hoặc siro, sinh tố nên hiện nay rất được thị trường ưa chuộng. Có thời điểm giá dâu tằm lên đến 70.000 đồng/kg mà vẫn không đủ bán”, anh Vinh nói.
Để tăng thu nhập trên cùng một diện tích, anh Vinh trồng thêm cây cà na Thái xen kẽ dâu tằm với số lượng tương đương. Với việc trồng hai loại cây này, gia đình anh Vinh thu nhập khoảng 240 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí, chưa kể đến nguồn thu thêm từ cây dâu làm kiểng và làm giống. Nguồn thu nhập ổn định từ vườn dâu giúp gia đình anh “sống khỏe”, kinh tế gia đình cải thiện rất nhiều so lúc trồng rẫy.
Qua thời gian trồng dâu tằm, anh Vinh nhận thấy đây là loại cây khá dễ trồng, thích nghi được với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở TP. Rạch Giá. Cây dâu tằm hiện chủ yếu trồng từ phương pháp chiết nhánh nên mau cho trái. Cây dâu dễ chăm sóc, ít bệnh, nhưng dễ bị sâu đục trái nên cần thường xuyên kiểm tra để diệt sâu kịp thời.
Theo anh Vinh, hiện vườn dâu của anh được khoảng 3,5 năm tuổi, vẫn chưa đến thời điểm đạt năng suất cao nhất. Dự kiến cây dâu tằm từ 5-6 năm sẽ cho năng suất cao, khoảng 10kg/cây. Xác định đây là loại cây có thể giúp phát triển kinh tế gia đình lâu dài nên anh dự định tiếp tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng quy mô sản xuất. Nhận thấy tiềm năng và giá trị kinh tế của của cây dâu tằm, anh Vinh cho biết: “Thời gian tới, tôi dự định mở rộng khu vườn dâu tằm hiện tại thành vườn sinh thái để phục vụ khách tham quan”.
Đồng chí Đặng Xuân Quy - Chủ tịch Hội Nông dân phường An Bình đánh giá trồng dâu tằm là mô hình kinh tế mới trên địa bàn phường, mang lại thu nhập cao gấp 3-4 lần so trồng lúa. Đây được xem là hướng đi mới để phát triển kinh tế cho người dân địa phương. Cây dâu tằm do anh Vinh trồng thành công, cho trái thu hoạch đều đặn góp phần làm phong phú sản phẩm nông sản của phường An Bình nói riêng và TP. Rạch Giá nói chung. “Nhận thấy dâu tằm có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập ổn định, thời gian tới, Hội Nông dân phường sẽ nhân rộng mô hình cho các hội viên có đủ điều kiện về đất đai, lao động và cả sự đam mê, từ đó tiến tới thành lập hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, đồng thời xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm dâu tằm ở địa phương”, đồng chí Đặng Xuân Quy nói.
Bài và ảnh: TÚ LY
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: