07/01/2022 10:38
Mô hình trồng chanh không hạt của Tổ hợp tác trồng cây ăn trái ở ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Điều thực hiện năm 2014, ban đầu chỉ có 2 thành viên trồng thử nghiệm. Năm 2015, chanh bắt đầu thu hoạch, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Thấy vậy, nhiều hộ dân trong vùng bắt đầu nhân rộng diện tích và phát triển mạnh. Đến nay, tổ hợp tác có 27ha chanh không hạt với 34 hộ, trong đó diện tích cho trái 20ha.
Anh Ngô Thọ An - tổ trưởng Tổ hợp tác trồng cây ăn trái ấp Vĩnh Lợi cho biết: “Nhận thấy đất tại địa phương chủ yếu đất nông nghiệp kém hiệu quả, cây chanh là cây dài hạn thích hợp với vùng đất này nên gia đình tôi chuyển 1,5ha từ trồng lúa sang trồng chanh không hạt. Đến nay, 1ha chanh đang cho trái, diện tích còn lại đang phát triển tốt”.
Theo anh Ngô Thọ An, cây chanh không hạt rất phù hợp phát triển tại địa phương, dễ trồng, dễ chăm sóc, cho trái quanh năm. Thời gian đầu tư trồng một công chanh không hạt từ cải tạo đất đến lúc bắt đầu thu hoạch khoảng 1 năm, năng suất bình quân 3 tấn/công, giá bán dao động từ 8.000-15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh An thu lãi trên 100 triệu đồng/ha. Việc lựa chọn cây giống cần mua ở những nơi uy tín, chất lượng để đảm bảo cây sạch bệnh.
Trong quá trình trồng chanh hạn chế sử dụng phân bón hóa học, chủ yếu dùng phân bón hữu cơ. “Có hai đối tượng sâu bệnh gây hại chính là bệnh ghẻ trái và nhện đỏ chích gây nám trái. Vì vậy, người trồng chanh cần thường xuyên vệ sinh gốc, tỉa cành và phun thuốc phòng trừ khi cây ra hoa. Không sử dụng thuốc diệt cỏ vì sẽ ảnh hưởng đến phát triển của bộ rễ chanh, chỉ dùng máy cắt cỏ để vệ sinh vườn”, anh An chia sẻ.
Thành viên Tổ hợp tác trồng cây ăn trái ấp Vĩnh Lợi thu hoạch chanh không hạt.
Gia đình anh Cao Như Tuyên - thành viên Tổ hợp tác trồng cây ăn trái ấp Vĩnh Lợi cũng phát triển mô hình trồng chanh không hạt. Với 9 công đất, trước đây, anh Tuyên canh tác lúa 2 vụ nhưng không hiệu quả. Năm 2018, thấy một số hộ trong vùng chuyển sang trồng chanh cho hiệu quả kinh tế cao, anh Tuyên quyết định trồng thử 1 công. Sau 1 năm cây tranh cho trái, thấy hiệu quả kinh tế cao nên anh chuyển toàn bộ diện tích trồng lúa sang trồng chanh.
Hiện vườn chanh của anh cho trái cũng là dịp gần Tết Nguyên đán năm 2022 nên bán được giá 12.000 đồng/kg, cao hơn những ngày qua. Mỗi tháng anh Tuyên thu nhập trên 28 triệu đồng từ bán chanh. “Chanh không hạt là cây dễ trồng, không kén đất, cho trái quanh năm, đầu ra tương đối ổn định, thương lái đến tận nhà thu mua. Mỗi đợt thu hoạch cách nhau 7 ngày nên đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, lợi nhuận cao hơn trồng lúa kém hiệu quả gấp 3 lần”, anh Tuyên nói.
Đến mùa gieo trồng và thu hoạch, mô hình trồng chanh không hạt của Tổ hợp tác trồng cây ăn trái ở ấp Vĩnh Lợi còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Đồng chí Nguyễn Mỹ Dung - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Điều cho biết: “Hiệu quả từ mô hình trồng chanh không hạt cho thấy nông dân ngày càng nhạy bén trong việc chuyển đổi cây trồng phù hợp, nâng cao thu nhập và góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của địa phương”.
Bài và ảnh: ĐĂNG VƯƠNG
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: