10/04/2023 09:23
Phần đông du khách vượt đường xa về vườn sinh thái Huyền Trân nằm cạnh nhánh sông Cũ (một nhánh của sông Cái Bé) của gia đình chị Út Nào để tìm kiếm những giá trị khác biệt mà chốn phố thị khó có được. Khu vườn rợp bóng mát với gần 370 gốc măng cụt, sầu riêng và dâu xiêm xanh, chỉ cần với tay du khách có thể hái được những trái chín ngọt sum suê đầy cành dọc theo lối đi dẫn vào khu vườn.
Vườn cây ăn trái của gia đình chị Út Nào có 250 gốc măng cụt, được cha chồng chị là ông Lê Văn Huyện (91 tuổi) trồng từ năm 20 tuổi, trong đó có khoảng 50 gốc được ông trồng từ năm 1952, còn lại trồng từ năm 1975. Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức trái cây chín tại vườn, chị Út Nào trồng thêm 120 gốc sầu riêng Ri6 hạt lép hiện bắt đầu cho trái.
Thực đơn của quán chủ yếu được chế biến cây nhà lá vườn như cá tai tượng chiên xù ăn kèm rau thơm, nước mắm hoặc cuộn với bún. Khách có thể chọn các món được chế biến từ gà thả vườn như lẩu gà, gà xào sả ớt, gà hấp lá chanh xé phay ăn kèm chuối ghém, bắp chuối hột.
Đơn giản hơn, du khách có thể chọn món cá rô đồng nấu canh chua trái giác, ăn với cơm cùng món cá tra kho lạt, kèm dưa môn. Ngoài ra còn có lươn nấu canh chua, lươn nấu cơm mẻ nhúng rau đồng ăn với lươn xào sả ớt vừa mộc mạc, dân dã lại tốt cho sức khỏe. Có thể khẩu vị mỗi người mỗi kiểu, nhưng từ trái măng cụt, con gà thả vườn, cọng rau tại đây đều trở thành món ngon khi vợ chồng chị Út Nào đứng bếp trổ tài.
Chị Lê Thị Thu Nào bên gốc dâu xiêm trong vườn nhà chuẩn bị phục vụ du khách dịp lễ 30-4 và 1-5.
Chị Út Nào cho biết: “Mỗi năm vườn thu hoạch được hơn 10 tấn măng cụt, sầu riêng 2-3 tấn. Nhờ kết hợp phục vụ khách du lịch thưởng thức trái cây tại vườn nên lợi nhuận thu về tăng 30% so với cách bán xô cho thương lái. Đó là chưa kể các nguồn thu khác khi có khách ghé vườn như bán dừa tươi, mít, nước giải khát các loại”.
“Gần 1 tháng nữa sẽ vô mùa măng cụt, sầu riêng chín rộ. Mọi năm dịp lễ kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) và ngày quốc tế lao động (1-5) du khách đến vườn nghỉ ngơi, ăn uống rất đông, năm nay chưa tới mùa đã có người gọi điện hỏi thăm trước. Sắp tới sẽ có thêm xuồng ba lá trong ao bông súng, bắc thêm cầu tre để phục vụ du khách thích chụp ảnh”, chị Út Nào nói. |
Nhiều du khách thấy cách chăm sóc vườn tược công phu, cách nói chuyện thiệt tình của vợ chồng chị Út Nào nên sẵn sàng mua với giá cao hơn, xem như cách ủng hộ nhà vườn làm ăn cần mẫn. Hầu hết cây trồng ở vườn đều trồng theo hướng an toàn, hạn chế sử dụng phân bón, phun thuốc bảo vệ thực vật.
Du khách đến vườn tham quan, ăn uống ngày càng đông, vợ chồng chị Út Nào còn liên kết với các hộ trồng măng cụt, sầu riêng, chăn nuôi gà xung quanh mới đủ phục vụ du khách.
Kể lại những ngày đầu mới chuyển hướng sản xuất, kinh doanh, chị Út Nào cho biết, năm 2000 có một người từ thị trấn Giồng Riềng vô vườn mua măng cụt ăn, sau đó vị khách này mượn bếp gas để tự chế biến món ăn tại vườn. Thấy khách muốn thư giãn, gia đình chị chiều ý.
“Vị khách đó khuyên vợ chồng tôi nên tận dụng vườn mở quán vì nhu cầu về vườn nghỉ ngơi, ăn uống ngày càng tăng. Sau nhiều ngày suy tính, vợ chông tôi thử cất một chòi lá nhỏ để tiện phục vụ nước uống cho du khách. Vậy là gia đình bắt đầu mở cửa vườn đón khách từ năm 2001, lấy tên con gái đầu lòng Huyền Trân để đặt tên cho quán”, chị Út Nào kể.
Lần hồi, khách ghé quán ngày càng đông. Những ngày nghỉ, dịp lễ, lượng khách ghé quán bình quân từ 300-400 lượt người/ngày. Tuy chưa qua trường lớp du lịch, nhưng phương châm của gia đình chị Út Nào là vệ sinh sạch nhà, sạch bếp, không sử dụng các hóa chất độc hại trong nuôi trồng cũng như chế biến thực phẩm và không “chặt chém” trong mọi trường hợp.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: