09/11/2023 15:09
Từng là giám đốc một doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp, đeo đuổi nghề nuôi tôm công nghiệp hơn 20 năm, anh Điền nghỉ việc, mua đất tự lập trang trại nuôi tôm công nghệ cao kết hợp đầu tư vào mô hình nuôi cua trong hộp nhựa.
Chia sẻ về ý tưởng đầu tư mô hình nuôi cua trong hộp nhựa, anh Điền cho biết: “Trên thị trường hiện nay, cua biển là loài có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt là cua lột (cua cốm) loại có giá trị dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, có giá từ 650.000 - 1 triệu đồng/kg tùy từng thời điểm. Tuy nhiên, cua cũng là đối tượng khó nuôi, tỷ lệ sống thấp khi thả lan trong môi trường tự nhiên. Sau nhiều lần đi tham quan, học hỏi, rút kết kinh nghiệm từ các nơi, tôi nhận thấy mô hình nuôi cua trong hộp nhựa có nhiều ưu điểm, giúp chủ động kiểm soát được quá trình lột của cua, từ đó có thể cung cấp số lượng cua lột chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường”.
Với diện tích trang trại hơn 10ha thực hiện mô hình nuôi tôm công nghệ cao, anh Điền dành hơn 500m2 để xây dựng nhà xưởng, khu nuôi cua công nghệ cao với quy mô khoảng 4.000 hộp, công suất nuôi từ 6.000 - 7.000 con/vụ.
Trong trang trại của anh Điền, mỗi con cua có trọng lượng từ 150 - 250gram được nuôi riêng lẻ trong từng hộp nhựa với hệ thống cấp nước tự động tuần hoàn xuyên suốt 24/24 giờ, cua được theo dõi, quan sát quá trình sinh trưởng, phát triển hàng ngày. Do đó, khi cua xuất hiện bệnh sẽ được xử lý ngay, không làm lây lan sang các con khác.
Một quy trình nuôi có thể kéo dài từ 30-35 ngày tùy vào chu kỳ lột của cua. Có khi có thể rút ngắn nếu con giống lúc thu mua từ người dân đem về, cua sắp tới chu kỳ lột, có thể nuôi thúc thêm 1 - 2 tuần là có thể thu hoạch.
Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của anh Võ Thanh Điền ngụ ấp Cảng, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương (Kiên Giang).
Vụ đầu tiên anh Điền nuôi khoảng 800 con, do chủ quan và chưa có kinh nghiệm, cua nhập về thả tỷ lệ sống thấp do sốc môi trường. Sau đó, rút kinh nghiệm, vụ thứ hai hiện anh đang thả khoảng 800-900 con, tỷ lệ sống đạt trên 80%, cua phát triển rất tốt.
Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa áp dụng quy trình sản xuất công nghệ cao, sử dụng hệ thống xử lý nước tuần hoàn khép kín, hơn 90% lượng nước được tái sử dụng sau khi qua hệ thống lọc, khử khuẩn bằng tia UV, môi trường nước kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, giúp hạn chế rủi ro, gia tăng tỷ lệ sống của cua.
Anh Điền cho biết: “Giá thành sản xuất của 1kg cua lột thương phẩm theo quy trình nuôi này dao động từ 220.000 - 240.000 đồng/kg, với giá thị trường khoảng 650.000 đồng/kg, với số lượng 1.000 con cua/vụ, tôi có thể thu về lợi nhuận khoảng 35 triệu đồng/vụ sau khi trừ hết chi phí. Một năm tôi có thể thả nuôi từ 7-8 vụ”.
Khó khăn hiện tại là nguồn con giống cung cấp cho trang trại chưa ổn định. Thời gian qua, anh Điền chủ yếu thu mua con giống từ nông dân trên địa bàn xã Hòa Điền. Để giải quyết khó khăn này, anh Điền tận dụng diện tích ao vuông rộng lớn chưa sử dụng hết, tự thả nuôi cua giống trong vuông đồng thời kết hợp nuôi cá, ốc bươu nhằm hướng tới chủ động nguồn cung cấp con giống cũng như nguồn thức ăn cho cua, giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh sản xuất cua cốm, anh dự tính nuôi vỗ béo cua gạch và cua thịt để đa dạng sản phẩm, cung cấp cho thị trường dịp lễ giáng sinh, tết dương lịch, tết Nguyên đán đang cận kề.
Hiệu quả từ mô hình nuôi cua trong hộp nhựa từ trang trại của anh Điền đã thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh. Một số nông dân đã đến tham quan, trao đổi và học tập kinh nghiệm.
Anh Điền chia sẻ: “Đây là mô hình sản xuất có thể áp dụng ở diện tích đất sản xuất nhỏ, hoàn toàn có thể áp dụng đối với nông dân ít đất sản xuất. Nông dân có nhu cầu có thể đến tham quan, cơ sở của chúng tôi sẽ hỗ trợ, tư vấn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và thực hiện lắp đặt hệ thống nuôi cua trong hộp nhựa và hướng tới kết nối tiêu thụ sản phẩm”.
Với quy trình sản xuất công nghệ cao, giúp gia tăng tỷ lệ sống, chủ động kiểm soát dịch bệnh, mô hình nuôi cua trong hộp nhựa bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra triển vọng cho nghề nuôi thủy sản trên địa bàn Kiên Lương.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: