08/06/2021 11:10
TIỀM NĂNG NUÔI CÁ LỒNG BÈ
Chúng tôi đến khu vực nuôi cá lồng bè trên biển của ông Trịnh Minh Khanh (52 tuổi), ngụ ấp Bãi Ngự khi lứa cá bớp khoảng 5 - 6kg/con chuẩn bị thu hoạch. Ông Khanh nói: “Hiện giá cá bớp đang lên, khoảng 140.000 đồng/kg. Với giá này, hai bè với 8 lồng cá bớp của tôi giá trị khoảng 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí dự kiến lời khoảng 400 - 500 triệu đồng/vụ nuôi”.
Theo ông Khanh, cuối năm 2019 và 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc tiêu thụ cá bớp gặp không ít khó khăn, thương lái thu mua chỉ khoảng 120.000 đồng/kg, thậm chí có lúc rớt xuống còn 90.000 đồng/kg. “Tuy nhiên, do nguồn cá tạp ở đây rẻ, dồi dào được mua từ các tàu, ghe đánh bắt nên người dân nuôi cá bớp nơi đây không lỗ, chỉ lời ít. So với ngư dân nuôi cá lồng bè ở các xã đảo gần bờ thuộc các huyện Kiên Hải, Kiên Lương và TP. Hà Tiên thì ngư dân nuôi cá lồng bè ở đây lời hơn bởi ở các địa phương đó nguồn cá tạp hiếm, giá thức ăn cho cá lại cao”, ông Khanh nói.
Ông Nguyễn Văn Tấn cho cá bớp ăn.
Ông Nguyễn Văn Tấn (53 tuổi), cùng ngụ ấp Bãi Ngự đang nuôi 4 lồng cá bớp gần 1 tháng tuổi. Đang cho cá ăn, nhìn đàn cá đạt trọng lượng khoảng 1kg, khỏe mạnh, đớp mồi liên tục, ông Tấn nói: “Cá giống từ thiên nhiên nên rất khỏe mạnh. Do là vùng biển xa đất liền nên nguồn nước ở đây rất sạch, không bị ô nhiễm”.
Gia đình ông Tấn vừa thu hoạch hai bè cá bớp vào đầu tháng 3-2021, lợi nhuận gần 400 triệu đồng. Đây là năm thứ tư liên tiếp ông Tấn đạt lợi nhuận như vậy. “Điều bà con ở đây quan tâm là đầu ra cá bớp, bống mú ổn định để khi xuất bán đạt lợi nhuận cao sau một năm chăm sóc”, ông Tấn cho biết.
Toàn xã đảo Thổ Châu hiện có 46 hộ nuôi hơn 100 lồng bè, chủ yếu cá bống mú, cá bớp… Năm 2020, sản lượng khai thác và nuôi thủy sản của xã đạt hơn 140 tấn, trong đó nuôi cá lồng bè 48 tấn, mang lại nguồn thu nhập hàng chục tỷ đồng cho người dân.
Ông Trịnh Minh Khanh phấn khởi với lứa cá bớp chuẩn bị thu hoạch.
Đây là một trong những năm ngư dân xã Thổ Châu nuôi cá trúng mùa nhất từ trước đến nay nhờ điều kiện thời tiết, môi trường tự nhiên thuận lợi cộng với việc áp dụng kỹ thuật mới, kết hợp kinh nghiệm nuôi truyền thống. Tuy nhiên, theo nhiều người dân nuôi cá lồng bè ở Thổ Châu, sản lượng và lợi nhuận như trên vẫn chưa xứng với tiềm năng của xã đảo.
HƯỚNG ĐẾN XÂY DỰNG HỢP TÁC XÃ
Bên cạnh những thuận lợi, nghề nuôi cá lồng bè trên biển ở xã đảo Thổ Châu hiện còn nhiều khó khăn, bất cập. Nguồn giống cá được ngư dân ở xã lấy từ tự nhiên nên chưa qua việc chọn lọc kỹ thuật, chưa đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm, tỷ lệ hao hụt cao.
Đồng chí Nguyễn Thái Thông - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thổ Châu cho biết địa phương đang tham mưu ngành chức năng TP. Phú Quốc và kiến nghị tỉnh Kiên Giang quy hoạch nuôi cá lồng bè trên biển theo hướng phát triển ổn định, bền vững. Trong đó, xây dựng sản phẩm cá đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp cho thị trường, đặc biệt là tìm đầu ra với giá ổn định. Ngoài ra, xã sẽ kiến nghị hình thành vùng nuôi cá lồng bè tập trung, tạo khoảng cách an toàn giữa các bè nuôi, vừa đảm bảo khả năng tự làm sạch môi trường, vừa chủ động ứng phó khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
Xã đảo Thổ Châu, TP. Phú Quốc (Kiên Giang) phát triển mạnh nuôi cá lồng bè.
Xã Thổ Châu cũng kiến nghị cấp trên hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật nuôi cá thương phẩm phù hợp điều kiện tự nhiên nhằm tăng năng suất, sản lượng, giảm thiểu dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái. “Hiện xã Thổ Châu thành lập được 1 tổ hợp tác nuôi cá lồng bè, chuẩn bị xây dựng thêm 1 tổ hợp tác nữa. Sau khi có đủ điều kiện, chúng tôi kiến nghị cấp trên cho thành lập hợp tác xã nuôi cá lồng bè xã Thổ Châu để cùng liên kết từ nguồn con giống, thức ăn, khâu chăm sóc đến đầu ra sản phẩm; đồng thời liên kết để được vay vốn mở rộng các lồng bè, quy mô lớn hơn. Song song đó, tăng cường quản lý mật độ nuôi, đảm bảo trật tự và tránh ô nhiễm môi trường”, đồng chí Nguyễn Thái Thông cho biết.
Hiện các hộ nuôi cá lồng bè ở xã Thổ Châu chưa quan tâm tới việc liên kết nhóm và theo chuỗi sản xuất, chủ yếu nuôi tự phát nên hiệu quả kinh tế chưa cao và chưa tạo được tính bền vững trong sản xuất. Theo đồng chí Nguyễn Thái Thông, tới đây, khi có đê chắn sóng cùng với việc hướng đến xây dựng Hợp tác xã nuôi cá lồng bè xã Thổ Châu, dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, thị trường tiêu thụ mạnh sẽ góp phần giúp ngư dân nuôi cá đạt sản lượng và lợi nhuận cao hơn.
Bài và ảnh: LÊ VINH
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: