13/06/2023 10:46
Tổ hợp tác may gia công phụ nữ ấp Tà Lóc thành lập năm 2022 với 12 thành viên là các chị em có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm ổn định, chủ yếu ở nhà nội trợ, sống bằng nguồn thu nhập từ chồng đi làm ăn xa mang về. Tham gia tổ hợp tác, chị em có máy may tại nhà để thuận tiện chăm sóc gia đình, tổ hợp tác tạo điều kiện cho các chị đem hàng về nhà làm. Các chị em không có máy may có thể đến cơ sở của tổ hợp tác để làm việc.
Tổ trưởng tổ hợp tác gia công phụ nữ ấp Tà Lóc chịu trách nhiệm chính trong việc liên hệ và nhận hàng từ các công ty đem về giao thành viên gia công. Hàng nhận gia công chủ yếu là quần áo thời trang. Sau khi may xong, tổ trưởng tiếp nhận, kiểm tra sản phẩm rồi đóng gói, giao hàng cho công ty, chi trả tiền công sản phẩm cho chị em.
Thành viên Tổ hợp tác may gia công phụ nữ ấp Tà Lóc, xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất may sản phẩm.
Khi mới thành lập, nhiều chị em chưa quen sử dụng máy may công nghiệp hoặc chưa có kinh phí mua máy may, tổ hợp tác phân công thành viên hướng dẫn dạy nghề cho chị em, đồng thời cho mượn máy may. Sau hơn 1 năm hoạt động , tổ hợp tác có nguồn hàng ổn định, bình quân thu nhập của chị em từ 3-4 triệu đồng/tháng, có những thời điểm đơn hàng nhiều như tết nguyên đán, thu nhập mỗi chị em từ 5-7 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhi - Tổ trưởng Tổ hợp tác may gia công phụ nữ ấp Tà Lóc, xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất chia sẻ: “Nhiều chị em địa phương thấy được hiệu quả của mô hình đã mạnh dạn xin tham gia. Nhờ có nghề may gia công, chị em có thu nhập ổn định, từng bước cải thiện cuộc sống của gia đình”.
Chị Lê Thị Thùy Trang, ngụ ấp Vàm Răng, xã Sơn Kiên cho biết: “Tôi là mẹ đơn thân, nuôi 2 con ăn học, nhưng không có việc làm ổn định. Tôi được người thân giới thiệu vào tổ hợp tác may gia công làm việc. Hiện tôi vừa có việc làm vừa chăm sóc các con. Công việc này không khó, chỉ cần siêng năng có thể kiếm thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhi - Tổ trưởng Tổ hợp tác may gia công Phụ nữ ấp Tà Lóc, xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất thực hiện ủi, hoàn thiện sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhi cho biết thêm số lượng đơn hàng của tổ hợp tác mỗi tháng nhiều hơn, để có thể hoàn thành đúng tiến độ giao hàng, tổ hợp tác khuyến khích thành viên mở rộng mạng lưới cộng tác viên. Các chị em có thể nhận hàng số lượng lớn rồi tuyển thêm thợ gia công tại địa phương về làm. Nhờ cách làm này, tổ hợp tác đang giải quyết việc làm cho hơn 20 người lao động trên địa bàn huyện Hòn Đất, TP. Rạch Giá (Kiên Giang).
Theo đánh giá của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòn Đất, đây là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực cho phụ nữ, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương; giúp phụ nữ vừa tự chủ về kinh tế vừa có thời gian chăm sóc con, góp phần hạn chế tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình.
Hiện tổ hợp tác còn gặp khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, thiếu kinh phí mở rộng quy mô sản xuất… Do đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòn Đất đã tạo điều kiện giúp thành viên tổ hợp tác tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua máy may, máy vắt sổ, phụ liệu may mặc, nhận thêm hàng về gia công.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: