11/12/2022 06:58
Từng trải qua cảnh nghèo khó nên bà Lý Thị Hằng - tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Cạnh Đền, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) hiểu được những khó nhọc của hộ nghèo, cận nghèo. Đó cũng là lý do khiến bà luôn suy nghĩ làm sao giúp người dân địa phương vươn lên trong cuộc sống, thoát khỏi nghèo khó.
Bà Hằng có 17 năm làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Cạnh Đền. Đến nay tổng số thành viên trong tổ do bà quản lý là 43 hộ, với dư nợ 1,6 tỷ đồng, tăng 25 thành viên và 1,57 tỷ đồng so năm 2005.
Tại hội nghị tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ do UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức, bà Lý Thị Hằng là 1 trong 30 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Bà Hằng chia sẻ: “Mỗi khi có nguồn vốn phân bổ về ấp, tổ luôn thực hiện bình xét công khai, công bằng với sự tham gia, giám sát của trưởng ấp và cán bộ Hội Nông dân xã. Tôi động viên thành viên trong tổ tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm, tạo thói quen tích lũy tiền hàng tháng để trả nợ gốc định kỳ và đến hạn, đồng thời tạo được nguồn vốn xoay vòng cho các thành viên khác”.
Được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Nguyễn Văn Xay, ngụ ấp Tân Quới, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) có vốn trồng màu, tăng thu nhập, lo cho con ăn học.
Từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ nhận bàn giao là 7,3 tỷ đồng, đến nay Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Biên đang triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ 318,4 tỷ đồng, tăng 311,1 tỷ đồng, gấp 42,7 lần so dư nợ khi thành lập. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân 15,6%/năm. Hiện có 11.354 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ.
Bà Trần Thị Tuyết - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Biên cho biết: “Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Biên giải ngân cho gần 51.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, qua đó giúp gần 11.000 hộ thoát nghèo. Dư nợ bình quân chương trình này là 28 triệu đồng/hộ, tăng 23 triệu đồng/hộ so với khi thành lập phòng giao dịch”.
Sau 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Kiên Giang có 466.200 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn với tổng dư nợ 1.156,7 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Để tiếp tục phát huy tốt vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, ông Đoàn Công Thiệt - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang cho rằng Chính phủ và các bộ, ngành cần xem xét đối với hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo trong thời gian 5 năm được thụ hưởng chương trình tín dụng này (quy định hiện nay là 3 năm) để hộ mới thoát nghèo có thêm thời gian tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
“Đối với chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, đề nghị nâng mức cho vay từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ, đồng thời kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh của các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài như trồng cây ăn trái, trồng cây công nghiệp”, ông Thiệt đề xuất.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: