27/12/2022 14:22
Mới sáng sớm, chị Nguyễn Ngọc Lợ, ngụ khu phố 3, phường Vĩnh Thông, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) đã ra vườn thu hoạch ổi. Chị Lợ nói: “Tranh thủ trời mát, tôi hái ổi giao cho khách. Nhờ trồng theo hướng an toàn, không phun xịt thuốc trừ sâu nên ổi bán được 15.000 đồng/kg. Ổi lê cho trái quanh năm, bình quân mỗi ngày tôi thu nhập từ 200.000-250.000 đồng”.
Từng trồng đậu bắp, rau cải các loại, chị Lợ quyết định chuyển qua trồng ổi lê từ năm 2020 vì thấy ổi dễ tiêu thụ, giá bán ổn định. Bên cạnh trồng ổi, chị còn nuôi cá dưới ao, phía trên trồng dừa, rau ăn lá các loại.
Được Hội Nông dân phường Vĩnh Thông tín chấp vay ưu đãi 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Lợ trồng thêm 400 chậu hoa vạn thọ bán dịp tết.
“Năm nào tôi cũng thu lãi hơn chục triệu đồng từ trồng hoa bán dịp tết. Nếu không có nguồn vốn tín chấp từ Hội nông dân cho vay chắc gia đình còn khó khăn lắm, vì vay bên ngoài lãi suất cao”, chị Lợ chia sẻ.
Chị Nguyễn Ngọc Lợ (bìa trái) trao đổi với cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang về mô hình trồng ổi lê của gia đình.
Sự hỗ trợ vốn kịp thời đã tác động tích cực, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Qua bình xét cuối năm 2022, Kiên Giang có 77.906 hộ được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 134% chỉ tiêu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao.
Phát huy tinh thần tương trợ, giúp nhau vượt khó, thoát nghèo, các cấp hội hỗ trợ 1,5 tỷ đồng cùng 6.779 ngày công lao động giúp đỡ 198 hộ hội viên thoát nghèo. Song song đó, hội hỗ trợ vật tư, cây, con giống, lương thực, thực phẩm tổng trị giá trên 7 tỷ đồng giúp nông dân sản xuất, kinh doanh.
“Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả đồng vốn tín chấp với các ngân hàng để giúp nông dân khôi phục sản xuất sau đại dịch COVID-19, hội còn hỗ trợ nông dân thực hiện 142 dự án từ nguồn vốn quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh 28,2 tỷ đồng. Mức cho vay từ 20-50 triệu đồng/hộ, mức đầu tư dự án từ 200-500 triệu đồng/dự án với số hộ tham gia tối thiểu 10 hộ/dự án. Mức thu phí cho vay 0,7%/tháng”, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Đỗ Trần Thịnh cho biết.
Tổng nguồn vốn quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đến nay đạt 44,3 tỷ đồng, tăng 6% so đầu năm 2022. Để tiếp tục tạo nguồn lực hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu và thoát nghèo, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng đề án phát triển quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh giai đoạn 2021-2030.
Đề án phấn đấu quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tăng trưởng 45 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, cấp huyện tăng trưởng vốn từ nguồn vận động ủng hộ 33,8 tỷ đồng; phấn đấu 100% quỹ hỗ trợ nông dân cấp huyện đạt 1,5 tỷ đồng trở lên/đơn vị, 100% đơn vị hội nông dân cấp xã đạt mức 100 triệu đồng trở lên/đơn vị.
Từ nguồn vốn này hỗ trợ trên 7.000 hội viên, nông dân vay vốn thông qua 700 mô hình kinh tế tập thể. Đồng thời, xây dựng thành công, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng liên kết, hợp tác sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Theo Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, đến cuối năm 2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 1.370 tỷ đồng với 47.751 hộ đang dư nợ, tăng hơn 88 tỷ đồng so năm 2021. Ngoài ra, có 4 huyện ký chương trình phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cấp, tổng dư nợ cho vay qua tổ vay vốn do hội nông dân quản lý hơn 10,4 tỷ đồng với 172 thành viên, tỷ lệ nợ quá hạn 0,31%. |
Bài và ảnh: VIỆT AN
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: