11/04/2023 15:59
Mô hình mới - thuần dưỡng mực ống trong lồng bè trên biển cho thu nhập cao của anh Quang.
Anh Võ Văn Quang, người chuyên thuần dưỡng mực ống trong lồng bè ở phường An Thới, TP Phú Quốc bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi sống bằng nghề câu mực. Năm 2002, ngư trường có dấu hiệu cạn kiệt, mỗi đêm tôi đi câu chỉ kiếm được khoảng 20-50kg, có đêm còn lỗ tiền dầu. Năm 2003, tôi vẫn giữ ghe câu mực, nhưng chuyển sang nuôi cá mú, cá bóp, cá chim vây vàng. Đặc biệt sau khi tìm tòi nghiên cứu, tôi quyết định thuần dưỡng mực ống”.
Theo anh Quang, mực ống tuy khó nuôi nhưng chịu để ý, tích lũy kinh nghiệm thì không khó lắm. “Trước tiên, mình phải chuẩn bị và vệ sinh lồng nuôi thật sạch. Sau đó mua mực của ngư dân đánh bắt ngoài biển về, loại 18-20 con/kg, nuôi thuần dưỡng với mật độ khoảng 10-15 kg/lồng nuôi, vì nuôi thưa mực ít bị hao hụt. Riêng thức ăn cho mực phải là cá tươi sống. Ban đêm, phải đốt thêm đèn cho sáng để mực hạn chế ăn thịt lẫn nhau”, anh Quang nói.
Cận cảnh những con mực được anh Quang thuần dưỡng.
Hiện, anh Quang dành 3 lồng bè trong số 45 lồng của gia đình để nuôi mực. Sau thời gian ngắn thuần dưỡng (từ 1-2 tuần), anh xuất bán khoảng 900kg đến 1 tấn mực sống/tháng. Thương lái và các nhà hàng tại địa phương mua lại với giá khoảng 500.000 đồng/kg mực tươi sống (loại 14-15 con/kg). Với mức giá này, gia đình anh có thể thu về lợi nhuận trên dưới 150 triệu đồng/tháng.
“Sắp tới, tôi dự định thuê thêm 3.000m2 mặt nước biển để mở rộng mô hình nuôi mực, đồng thời cho khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm câu mực rồi thưởng thức những món ăn từ mực ngay trên bè để mọi người cảm nhận trọn vẹn mùi vị mực ngọt ngon ở Phú Quốc”, anh Quang chia sẻ.
Ông Bùi Hồng Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân phường An Thới, TP. Phú Quốc cho hay, nghề nuôi biển ở Phú Quốc tập trung nhiều ở xã Gành Dầu và phường An Thới. Bà con nuôi đủ các loại như cá bóp, cá mú, cá chim vây vàng... và gần đây có hộ anh Quang nuôi thuần dưỡng mực trong lồng bè.
Trứng mực - sản phẩm từ những con mực được nuôi thuần dưỡng trong lồng bè; sau khi ra đời những chú mực con sẽ được "phóng thích" tự nhiên để về với biển, góp phần tái tạo nguồn lợi mực giống.
“Mực nuôi thuần dưỡng trong lồng bè trên biển thời gian ngắn. Nuôi mực khỏe hơn nuôi cá bớp, tuy nhiên chi phí đầu vào khá cao, do giá thu mua mực giống. Hiện ở Phú Quốc, gia đình anh Quang là hộ duy nhất làm mô hình này. Với cách làm khá mới mẻ này không chỉ giúp gia đình anh Quang tăng thu nhập mà còn mở ra hướng mới trong nghề nuôi biển ở Phú Quốc ”, ông Tuấn nói thêm.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: