05/01/2021 16:07
Anh Phạm Văn Giai quê gốc ở Hà Nội. Năm 2016, anh vào Đồng Nai lập nghiệp, sau đó đến xã Bình An (Kiên Lương) làm nghề khai thác, vận chuyển đá tại mỏ đá Bình An. Năm 2018, anh Giai đến xã Dương Hòa (Kiên Lương) thuê 10ha đất nuôi tôm với hình thức quảng canh.
Trong năm đầu, anh thả nuôi 3 vụ liên tiếp nhưng không thắng lợi. “Cuối năm 2019, xem trên báo, đài, tôi được biết Bạc Liêu là “thủ phủ” nuôi tôm công nghiệp, nhất là nuôi trong bể bạt mang lại hiệu quả cao nên tôi đến đó học hỏi. Tôi tìm đến cơ sở cung cấp tôm giống. Được cơ sở này hướng dẫn lắp đặt bể nuôi tôm và cách vận hành, tôi về áp dụng tại Dương Hòa”, anh Giai cho biết.
Sau thời gian miệt mài học hỏi từ tỉnh bạn, anh Giai vận dụng kiến thức học được vào nuôi tôm trong bể bạt trên diện tích đất đang thuê. Cùng thời điểm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông huyện Kiên Lương thực hiện đề án ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nước vào nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGAP trên địa bàn tỉnh. Hộ anh Giai cũng được chọn làm điểm trình diễn đề án và định hướng nhân rộng mô hình, được hỗ trợ 40 triệu đồng để mua con giống, thức ăn và hỗ trợ về kỹ thuật.
Đồng chí Lê Thị Nam - cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông huyện Kiên Lương cho biết anh Giai thực hiện tốt các bước xây bể, chọn giống, quy trình kỹ thuật công nghệ cao, có kỹ sư hướng dẫn, cùng với tâm huyết của anh nên năm đầu đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi.
Anh Phạm Văn Giai kiểm tra quá trình phát triển của tôm nuôi trong bể bạt.
Sau khi đầu tư 4 bể (trung bình 500m3/bể), trên diện tích 3ha, với kinh phí trên 500 triệu đồng, anh Phạm Văn Giai mua con giống từ cơ sở có uy tín ở Bạc Liêu. Anh được đơn vị cung cấp thức ăn là Công ty Bayer cử cán bộ xuống thực hiện “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm).
Từ cuối năm 2019 đến nay, anh Giai nuôi 3 lứa tôm đều mang lại hiệu quả cao. Lứa tôm thứ nhất, anh thu về 9 tấn (loại 28 con/kg), lứa tôm thứ hai thu 13 tấn (loại 22 con/kg), lứa tôm thứ ba thu 15 tấn (25 con/kg). Với giá bán trung bình 140.000 đồng/kg, anh Giai thu về 1,8 tỷ đồng, trừ các chi phí, lãi gần 1 tỷ đồng.
Hiện tôm nuôi trong 4 bể bạt của anh Giai đạt kích cỡ 70 con/kg, khoảng 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, ước sản lượng 13-15 tấn. Theo anh Giai, nuôi tôm trong bể bạt mang lại hiệu quả cao hơn nhiều nuôi quảng canh và nuôi trong ao lót bạt. Nuôi tôm trong bể bạt không cần nhiều diện tích, có thể nuôi mật độ dày, dễ quản lý, chăm sóc tôm, đến khi thu hoạch tôm đồng kích cỡ nên dễ bán.
Anh Giai nói: “Việc nuôi này chi phí đầu tư lớn, nhiều người “ngán” vốn đầu tư ban đầu. Quá trình nuôi lại đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao, cần có kỹ sư am hiểu kỹ thuật hướng dẫn kỹ càng, đảm bảo điện quay cánh quạt tạo ôxy 24/24 giờ”. Anh Giai cũng phân tích dù chi phí đầu tư bể bạt để nuôi cao nhưng có thuận lợi là chỉ đầu tư 1 lần có thể sử dụng 5-7 năm, nuôi tôm nối vụ từ 3-4 lứa/năm, từ đó giảm chi phí trong cải tạo ao nuôi so với nuôi quảng canh hay nuôi ao lót bạt.
Nhờ nuôi tôm trong bể bạt hiệu quả, giữa năm 2020, anh Phạm Văn Giai mua 3ha diện tích của chủ cho thuê đất. Anh tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 lao động, với thu nhập 300.000 đồng/ngày. “Anh Giai đã ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào nuôi tôm trong bể bạt nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời tạo ra khối lượng hàng hóa lớn và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đây là hướng đi đúng, đã và đang được ngành chuyên môn và chính quyền của tỉnh, huyện khuyến khích”, đồng chí Lê Thị Nam nói.
Bài và ảnh: LÊ VINH
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: