02/10/2020 18:53
Là một trong những nghề truyền thống của tỉnh được công nhận từ năm 2018, nghề khóm Tắc Cậu luôn giữ vững và phát triển mạnh. Theo người dân địa phương, nghề trồng khóm xuất hiện trên 70 năm, khóm được trồng chủ yếu trên vùng đất cù lao giữa hai sông Cái Lớn, Cái Bé thuộc các xã Bình An, Vĩnh Hòa Phú và một phần của xã Minh Hòa.
Từ lâu, khóm Tắc Cậu nổi tiếng nhờ hương vị thơm ngon, ngọt đặc trưng. Theo anh Nguyễn Quốc Khánh, ngụ ấp An Thành, xã Bình An, cùng giống khóm nhưng trồng trên vùng đất Tắc Cậu mới có vị ngọt thanh, màu vàng đậm và ăn không bị rát lưỡi, do đặc điểm vùng đất có sự kết hợp hài hòa của 3 yếu tố phèn, mặn, phù sa mà ít nơi nào có được.
Ấp An Lạc và ấp An Thành, xã Bình An có nhiều hộ dân trồng khóm. Không ít gia đình có nhiều thế hệ gắn bó với nghề này. Ngoài thu nhập từ chính vụ, người dân 2 ấp còn học tập kỹ thuật canh tác để khóm cho thu hoạch quanh năm. Những người phụ nữ trong xã còn sử dụng nguyên liệu từ khóm chế biến thành nhiều sản phẩm hấp dẫn như khóm sấy, mứt khóm, nước ép khóm…
Người dân ấp An Thành, xã Bình An (Châu Thành) thu hoạch khóm Tắc Cậu.
Huyện Châu Thành có khoảng 3.120 hộ trồng khóm, khoảng 1.700ha, (chiếm 12% tổng số hộ dân toàn huyện). Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, để khóm Tắc Cậu vươn xa, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, huyện xác định rõ vùng quy hoạch trồng khóm, xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ thiết thực, khuyến khích nông dân chuyển đổi từ diện tích trồng lúa, vườn tạp sang trồng khóm phù hợp quy hoạch. Đồng thời, sớm xây dựng mô hình trồng khóm Tắc Cậu theo quy trình VietGAP với quy mô ban đầu thích hợp để có cơ sở nhân rộng và từng bước tiến lên GlobalGAP. Năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể khóm Tắc Cậu cho Hội Nông dân huyện.
Từ khi đường hành lang ven biển phía Nam hoàn thành, giá khóm Tắc Cậu tăng vọt lên gấp 3 lần so với những năm 2012 trở về trước. Đây là điều kiện thuận lợi, động lực để người dân xã Bình An bám nghề và phát triển nghề trồng khóm. Năm 2016, huyện Châu Thành xây dựng vùng trồng khóm năng suất cao, với kinh phí đầu tư hơn 250 triệu đồng nhằm hỗ trợ người dân trồng khóm sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác. Huyện chủ trương hỗ trợ 3 triệu đồng/ha cho hộ dân cải tạo đất lúa, vườn tạp để trồng khóm. Diện tích đất trồng khóm tăng theo mỗi năm.
Theo nhiều người lớn tuổi sống ở xã Bình An, từ lâu, người dân trong xã đã biết chế biến các món ăn từ nguyên liệu khóm như nước màu, nước ép khóm, bánh nhân khóm… Dịp Tết Nguyên đán, người dân thường làm mứt khóm để đãi khách. Những lúc khóm không bán được, người dân chuyển sang làm mứt khóm để cung cấp cho các cơ sở làm bánh trên địa bàn các huyện lân cận. Nhiều hộ gia đình có thâm niên 55 năm trồng khóm và làm mứt khóm. Nghề làm mứt khóm được chế biến với bí quyết riêng của từng thợ làm nghề để cho ra những miếng khóm có màu sắc tự nhiên, mang hương vị đặc trưng của khóm.
Hiện nay, trên địa bàn xã Bình An có khoảng 200 hộ chuyên sản xuất mứt khóm, giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động có thu nhập ổn định và hơn 30 lao động thu gom nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, gián tiếp tham gia vào sản xuất. Vào những ngày cận tết, số lượng hộ tham gia sản xuất, kinh doanh mứt khóm càng đông đúc hơn. Người dân trong xã có thêm việc làm để tăng thu nhập, nhiều hộ có thu nhập khoảng 200 - 250 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động với mức lương 4 triệu đồng/tháng.
Đồng chí Lê Văn Giàu - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình An cho biết: “Xã Bình An hiện đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới. Xã đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí để được công nhận xã nông thôn mới. Nghề truyền thống khóm Tắc Cậu là một trong những nguồn thu nhập chính để người dân trong xã nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”.
Thời gian tới, huyện Châu Thành và xã Bình An có nhiều chính sách, mô hình chuyển giao khoa học, kỹ thuật góp phần tạo điều kiện cho người dân bám trụ nghề và phát triển nghề bền vững, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Bài và ảnh: TRÚC KHOA
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: