17/04/2023 10:57
Cách đất liền khoảng 30km, xã Hòn Tre có khí hậu khá oi bức. Vậy mà nơi này lại có vườn bơ 5 công của anh Lộc được trồng trên đất núi, phát triển khá tốt.
Anh Lộc kể: “Lúc tôi mua đất thì có sẵn cây bơ. Khi cây có trái, tôi ăn rất ngon, thịt dẻo, béo, thơm. Tôi nhân giống bơ trồng với số lượng nhiều. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tôi vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm. Tôi đốn vườn tạp để trồng bơ đến giờ”.
Theo anh Lộc, ở Hòn Tre 70% là đá, chỉ 30% là đất nên việc làm rẫy, trồng cây ăn trái khó khăn. “Trồng cây bơ ở đảo phải chịu khó, tôi tìm khoảng trống theo các hốc đá chứa đất mới trồng được một gốc, tuy nhiên đất đó nghèo dinh dưỡng. Ngoài ra, tôi gặp khó khăn về nước tưới và chăm sóc cây do trồng ở địa hình đồi núi...”, anh Lộc nói.
Để giải quyết khó khăn về nước tưới, anh Lộc lên đỉnh núi kéo ống dẫn nguồn nước về dự trữ vào bồn rồi kéo dây đến từng gốc bơ để chủ động tưới cây. Để cây bơ có đủ chất dinh dưỡng, anh sử dụng thêm vỏ tôm, các loại cá phân ủ thành phân hữu cơ bón vào mỗi gốc. Nhờ cách làm này cây bơ phát triển tốt quanh năm…
Anh Lộc cắt tỉa bớt trái bơ non để cây bơ không mất sức, trái to, năng suất cao.
Để cây bơ có trái to, lớn nhanh, mỗi khi cây bơ đậu trái anh Lộc tỉa trái bỏ bớt chỉ để lại mỗi chùm một trái. Với kinh nghiệm 15 năm trồng bơ trên đất núi ở Hòn Tre, anh Lộc khẳng định, dù tốn nhiều công nhưng cây bơ dễ trồng, ít bệnh, sinh trưởng tốt và phù hợp điều kiện của địa phương. Cây bơ ra trái khoảng 4-5 mùa sẽ tự chết không rõ nguyên nhân, người trồng bơ phải tốn nhiều công để dặm lại những cây chết.
Theo các hộ trồng bơ ở Hòn Tre, cuối tháng 11 âm lịch cây bơ bắt đầu ra bông, kết trái. Đến tháng 3, tháng 4 âm lịch, chủ vườn thu hoạch đợt đầu và tháng 5, 6 thu hoạch đợt bơ còn lại. Với 5 công bơ anh Lộc thu hoạch mỗi vụ trên 3 tấn bơ, bán giá khoảng 100.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ bán cho khách.
“Do số lượng bơ ít nên tôi chủ yếu bán trong tỉnh. Siêu thị gợi ý tôi xây dựng thương hiệu bơ Hòn Tre để đưa vào siêu thị nhưng tôi thấy số lượng không thể đáp ứng nhu cầu của siêu thị nên tôi chưa hợp tác, chờ thời điểm phù hợp”, anh Lộc cho biết.
“Định hướng phát triển nông nghiệp thời gian tới, trong đó có cây bơ là địa phương tiếp tục mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nhà vườn và anh Lộc, nhằm hướng đến thương hiệu VietGAP, góp phần đưa thương hiệu bơ núi Hòn Tre mở rộng thị trường trong nước”, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiên Hải Đặng Tùng Long cho biết. |
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiên Hải, người dân xã đảo Hòn Tre trồng cây bơ, xoài, tiêu, mãng cầu ta từ 60-70 năm. Hiện Hòn Tre có một số hộ trồng bơ thành vườn, cung cấp ra thị trường, song có tiếng và ngon nhất vẫn là bơ núi của hộ anh Lộc.
“Trái bơ của anh Lộc thịt dẻo, béo và thơm hơn bơ vùng khác. Có thể do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, kết hợp việc bón phân hữu cơ nên trái bơ vùng này mới có nét đặc trưng như vậy”, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiên Hải Đặng Tùng Long nói.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: