11/01/2024 14:36
Đến U Minh Thượng những ngày này chúng tôi cảm nhận không khí nhộn nhịp của người dân thu hoạch tôm càng xanh trên nền đất lúa. Người dân vui khi giá tôm tăng.
Gia đình anh Nguyễn Minh Thuấn, ấp Vĩnh Hiệp, xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng làm tôm càng xanh một nắng để ăn và bán ra thị trường. Dịp cuối năm, tôm càng xanh một nắng của gia đình anh tiêu thụ tốt, giúp tăng thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Hiện đơn đặt hàng tôm càng xanh một nắng dịp tết nhiều nên chúng tôi tăng cường làm để kịp giao cho khách hàng”, anh Thuấn chia sẻ.
Nhân công cơ sở tôm càng xanh một nắng Minh Thịnh phơi tôm.
Theo anh Thuấn, làm tôm càng xanh một nắng không đơn giản vì phải phụ thuộc vào mùa vụ của nông dân và không chủ động được nguyên liệu. Làm tôm càng xanh một nắng trải qua 4 giai đoạn gồm chọn tôm, sơ chế, ướp tôm, phơi nắng; trong đó khâu chọn tôm quan trọng nhất vì quyết định chất lượng con tôm, tôm tươi sống thì thành phẩm mới thơm ngon. Tôm được dập đá rồi cắt đầu, lột vỏ, xẻ tôm và rửa sạch gạch tôm, để tôm ráo rồi đem đi ướp và phơi.
Tôm được sơ chế vào sáng sớm để tranh thủ thời gian phơi nắng. Tôm phơi được nắng trong ngày mới ngon, nếu phơi qua ngày sau tôm khô, cứng và mất màu. Bình quân 10kg tôm tươi chế biến được khoảng 1,2kg tôm một nắng. Anh Thuấn bán 1 triệu đồng/kg tôm càng xanh một nắng.
Những con tôm tươi ngon được phơi nắng có màu hơi trong, phần thịt dày, săn chắc có thể trữ lâu dài, tiện lợi và bổ dưỡng. Ưu điểm của tôm càng xanh một nắng là phần thịt không quá khô, cứng lại ngọt, thơm tự nhiên. Tôm khi phơi hoặc sấy hơi vàng chứ không đậm màu như các loại tôm khô khác. Có nhiều cách để thưởng thức tôm càng xanh một nắng, trong đó ngon nhất là chiên. Tôm càng xanh một nắng dùng để nấu mì, nấu lẩu, kho quẹt...
Gia đình anh Thuấn sản xuất tôm càng xanh một nắng theo phương thức thủ công. Mỗi ngày, anh tạo việc làm cho 5 nhân công, thu nhập 200.000 đồng/người. Gia đình anh Thuấn làm thành phẩm khoảng 20kg tôm càng xanh một nắng/ngày, thu nhập khá. “Nhờ có cơ sở làm tôm càng xanh một nắng, tôi có việc làm, thu nhập ổn định”, chị Võ Việt Trinh, ngụ xã Hòa Chánh chia sẻ.
Tôm càng xanh một nắng Minh Thịnh được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng, giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, sản phẩm tôm càng xanh một nắng mới chỉ bán cho khách lẻ. Để tạo đầu ra ổn định cho nghề làm tôm ở địa phương, anh Thuấn đầu tư máy móc, nhãn dán nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng độ nhận diện, đáp ứng nhu cầu thị trường. Năm 2023, gia đình anh Thuấn đăng ký nhãn hiệu tôm càng xanh một nắng và đang đợi được công nhận là sản phẩm OCOP.
“Để tạo thương hiệu cho sản phẩm, gia đình tôi chú trọng tìm nguồn tôm sạch, tươi và không chất bảo quản. Cơ sở làm tôm của gia đình tôi vừa góp phần tăng thu nhập cho gia đình, lao động nhàn rỗi vừa hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm”, anh Thuấn nói.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ tôm càng xanh một nắng, gia đình anh Thuấn chú trọng đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến; đồng thời tăng cường quảng bá trên các trang mạng xã hội, góp phần đưa tôm càng xanh U Minh Thượng vươn xa.
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: