05/10/2020 18:08
Trước khi làm lục bình, gia đình anh Dân có truyền thống làm nghề mộc với những sản phẩm từ gỗ như bàn ghế, tủ, giường… Từ năm 2017, nhận thấy nhu cầu thị trường chuộng trưng những cặp lục bình trong nhà, anh Dân cùng cha tìm hiểu trên internet rồi mày mò làm ra sản phẩm đầu tiên.
Anh Dân cho biết: “Ban đầu chưa có máy móc, thiết bị chuyên dụng nên việc làm ra một cặp lục bình phải mất nhiều thời gian, khoảng 5 ngày tôi mới làm được một cặp. Bây giờ, chúng tôi chỉ mất 1 - 2 ngày là có thể làm được một cặp lục bình”.
Quan sát các công đoạn làm lục bình của gia đình anh Dân mới cảm nhận được công phu và sự khéo léo trong việc tạo tác một sản phẩm. Để hoàn tất một cặp lục bình đẹp phải trải qua nhiều công đoạn. Trước hết, anh Dân mua gỗ phù hợp, giá trị hoặc theo đơn đặt hàng của khách.
Anh Dân thường mua những loại gỗ thông dụng có ở địa phương, hợp túi tiền như tra, tràm bông vàng, xà cừ… Gỗ khi vận chuyển về được cắt thành từng đoạn theo kích cỡ hợp lý rồi được ngâm tẩy mủ hơn 20 ngày, sau đó đem phơi khô. Gỗ sau khi phơi khô đúng độ mới đo lấy tim, đặt vào máy quay, tiện điều chỉnh độ sâu và đường nét trên thân gỗ…
Anh Nguyễn Thanh Dân, ngụ ấp Bảy Biển, xã Nam Thái A, huyện An Biên (Kiên Giang) chà nhám lục bình, chuẩn bị cho công đoạn sơn sản phẩm.
Mỗi bình lục bình gồm ba phần: Miệng, thân và đế. Mỗi đoạn được chia theo một tỷ lệ để khi sản phẩm làm ra dễ nhìn, có sức hấp dẫn riêng. “Muốn làm lục bình đẹp, ngoài sự khéo léo, tỉ mỉ phải có sự đam mê và sáng tạo, như vậy sản phẩm mới có hồn, từ một khúc gỗ thô trở thành sản phẩm bắt mắt”, anh Dân chia sẻ.
Anh Dân bán mỗi cặp lục bình từ 1 - 17 triệu đồng tùy kích thước và chất liệu gỗ. Mỗi sản phẩm làm ra, anh Dân chụp ảnh đăng giới thiệu trên mạng xã hội. Khách hàng của anh chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh. Anh Dân còn nhận làm lục bình theo nhu cầu như khách hàng mua gỗ đến nhờ anh gia công hoặc đặt hàng với chất liệu gỗ và kích thước, anh tìm mua gỗ và làm ra sản phẩm cho khách.
Lục bình là một trong những sản phẩm mỹ nghệ mang ý nghĩa về phong thủy, dùng trang trí cũng như thu hút tài lộc, may mắn thịnh vượng đến cho gia chủ. Trước đây, người ta trưng những cặp lục bình bằng gốm sứ nhưng xu hướng hiện nay dần chuyển sang chuộng lục bình bằng gỗ. |
Những sản phẩm lục bình của gia đình anh Dân đẹp và hợp túi tiền nên khách hàng ngày càng ưa chuộng và giới thiệu nhiều người đặt hàng. Nhờ vậy, ngoài 4 thành viên trong gia đình, anh Dân còn thuê 6 nhân công phụ (lương 250.000 đồng/ngày) thực hiện các công đoạn đơn giản như cắt cây, chà nhám, vận chuyển…
Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng - Phó Bí thư Xã đoàn Nam Thái A cho biết: “Mô hình gia công mỹ nghệ của anh Dân góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho thanh niên trong ấp. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên máy anh Dân sử dụng còn thô sơ, chủ yếu bằng thủ công; hiện nay chỉ bán lẻ, chưa tìm được đầu ra ổn định với số lượng lớn; thiếu vốn đầu tư mua nguyên liệu gỗ. Xã đoàn đang xây dựng dự án đề nghị Tỉnh đoàn hỗ trợ anh Dân vốn đầu tư máy móc, giảm các giai đoạn thủ công, tiết kiệm thời gian làm ra nhiều sản phẩm, đồng thời kết nối tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nếu thành công, đây là mô hình giúp nhiều thanh niên trên địa bàn có công việc ổn định, góp phần đoàn kết tập hợp thanh niên”.
Bài và ảnh: HUỲNH ANH
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: