30/06/2022 14:32
Vài năm trước, qua những lần đi tham quan các mô hình của thanh niên ở một số huyện lân cận, anh Tính nảy sinh ý tưởng đầu tư nuôi ốc bươu đen. Nhận thấy ốc bươu đen thương phẩm được ưa chuộng trên thị trường và có đầu ra tương đối ổn định, giá bán cao, đầu năm 2020, anh Tính tận dụng mảnh đất trống phía sau nhà để nuôi ốc bươu đen trong bể bạt. “Ban đầu tôi chưa có kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen nên lên mạng tìm hiểu, nghiên cứu phương pháp cũng như kỹ thuật nuôi. Sau đó tôi xây dựng 3 bể bạt với 30m2, đầu tư hơn 3 triệu đồng mua 9.000 con giống về thả nuôi thử. Sau khi hao hụt, số ốc thả nuôi còn lại 8.700 con. Nhìn chung, việc nuôi ốc khá nhàn, không mất nhiều thời gian chăm sóc, kỹ thuật nuôi dễ”, anh Tính chia sẻ.
Anh Tính sử dụng nước giếng khoan để bơm vào bể, mỗi tuần thay nước một lần, đảm bảo nguồn nước sạch. Thức ăn cho ốc chủ yếu rau, cải, lá đu đủ, bèo tai tượng… Hàng ngày, anh xin rau bị hư của những người buôn bán ở chợ đem về cho ốc ăn. Sau 8 tháng nuôi, gia đình anh xuất bán lứa ốc bươu đen đầu tiên với số lượng 250kg, bán giá 60.000 đồng/kg, thu 15 triệu đồng. Trong số 8.700 con giống ban đầu mua về nuôi, anh Tính lấy ra 1.600 con giống làm ốc bố mẹ đẻ ra 80kg trứng và cho ấp riêng. Sau 15 ngày, trứng nở ra 800.000 con giống, anh lấy 300.000 con giống đem bán với giá 350 đồng/con, thu hơn 100 triệu đồng. Số con giống còn lại, anh tiếp tục thả nuôi để thu ốc thương phẩm.
Anh Tính cho biết: “Do không đòi hỏi cao về yếu tố môi trường, điều kiện tự nhiên cộng với cơ sở vật chất sẵn có nên việc nuôi ốc ban đầu tại nhà rất thuận lợi và mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí thấp. Tôi thường xuyên vệ sinh bể nuôi, duy trì mực nước khoảng 50cm, mùa nắng thả thêm bèo và phủ mát bằng lưới hạ nhiệt hoặc sử dụng mưa nhân tạo cho mát ốc. Tổng thời gian nuôi từ ốc bố mẹ đến sinh sản khoảng 14 tháng”. Hiện nay, khi nắm được kỹ thuật nuôi, anh Tính nhân rộng thêm 3 bể bạt và 1 ao đất, nâng tổng diện tích nuôi ốc lên gần 200m2 để đáp ứng nhu cầu ốc thương phẩm cho thị trường.
Anh Nguyễn Văn Tính (giữa) giới thiệu cho đoàn viên, thanh niên xã Vĩnh Thuận về mô hình nuôi ốc bươu đen trong bể bạt.
Ngoài việc cung cấp ốc bươu đen thương phẩm, anh Tính còn cung cấp ốc giống và trứng ốc cho những hộ dân có nhu cầu. Với diện tích và số ốc nuôi hiện tại, ước tính sắp tới gia đình anh Tính thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn kiếm thêm thu nhập từ việc thiết kế và lắp đặt bể bạt, ao nuôi cho người dân có nhu cầu nuôi ốc. Từ hiệu quả mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Tính, nhiều hộ nông dân, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Đồng chí Bùi Văn Tiến - Đảng ủy viên, Bí thư Xã đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Vĩnh Thuận nhận xét: “Tính là đoàn viên có ý chí cầu tiến, có ý tưởng phát triển kinh tế. Không giấu nghề, Tính nhân rộng mô hình nuôi ốc bươu đen cho hàng xóm, giúp đời sống ổn định hơn”.
Thời gian tới, anh Tính dự định xúc tiến thành lập hợp tác xã thu gom ốc thương phẩm của người dân địa phương để vừa tạo đầu ra cho ốc bươu đen thương phẩm, vừa có thể giữ giá ốc ổn định.
Bài và ảnh: LINH NHI
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: