31/12/2021 15:31
NHỘN NHỊP SẢN XUẤT
Thời điểm này, tại khu cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành), lượng xe chở hàng ra, vào tấp nập. Các tàu đánh bắt cập cảng nhiều hơn, lượng thủy, hải sản đưa lên đầy cảng. Cảnh mua, bán thủy, hải sản nhộn nhịp hơn ngày thường.
Tại Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Tắc Cậu, hơn 250 công nhân đang tất bật với công việc. Ông Đào Hoàng Chiến - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Tắc Cậu nói: “Có thể nói hiện là thời điểm sản xuất mạnh nhất trong năm của công ty. Đơn đặt hàng phục vụ tết tăng 15% so cùng kỳ năm 2020”. Theo ông Đào Hoàng Chiến, hiện bình quân mỗi ngày Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Tắc Cậu sản xuất trên 30 tấn chả cá surimi, tăng 20% so ngày thường.
Dự kiến trong tháng 1-2022, công ty sản xuất đạt sản lượng 1.400 tấn chả cá surimi cho các đơn hàng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Sản phẩm chả cá surimi đông lạnh của công ty có mặt hầu hết các thị trường trên thế giới, đồng thời là đối tác và nhà cung cấp chả cá đông lạnh duy nhất cho Tập đoàn Thực phẩm PM Mychon (Pháp), LUF (Thailand), Kibun (Nhật Bản), Hansung (Hàn Quốc)…
Theo ông Đào Hoàng Chiến, mặc dù đơn đặt hàng tăng, công việc nhiều, nhưng Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Tắc Cậu luôn đặt mục tiêu chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. “Không chỉ chú trọng chất lượng tại thời điểm này, từ khi đi vào hoạt động năm 2008 đến nay, công ty liên tục cải tiến hệ thống quản lý chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm được kiểm soát từ khâu nguyên liệu đến thành phần tiêu thụ.
Công ty không ngừng mở rộng quy mô nhà xưởng sản xuất, kho bảo quản, đổi mới máy móc, trang thiết bị để gia tăng năng lực chế biến, đa dạng hóa và cải tiến chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của từng khách hàng riêng biệt”, ông Đào Hoàng Chiến cho biết. Nhờ duy trì chất lượng nên sản phẩm của Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Tắc Cậu đã tạo được uy tín và duy trì được các thị trường nổi tiếng khắt khe và cầu toàn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Công nhân Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang đang làm việc tại xưởng.
Hiện Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường nhận đơn hàng trong tháng 1-2022 tăng 15% so cùng kỳ năm 2021. Ông Nguyễn Quang Minh - Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường cho biết: “Sản phẩm chính của công ty là mực và tôm đông lạnh, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác. Để duy trì khách hàng truyền thống và mở rộng thị trường mới, công ty luôn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, đội ngũ công nhân lành nghề, đảm bảo sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nhằm đáp ứng các thị trường khó tính”.
VỪA SẢN XUẤT, VỪA CHỐNG DỊCH
Tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, để thực hiện tốt mục tiêu kép, công nhân tại các xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang nằm trong khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành) vẫn miệt mài làm việc. 100% lao động trước khi vào ca đều đeo khẩu trang y tế, rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt. Ngoài thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch đối với người lao động, Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang yêu cầu khai báo y tế đối với khách liên hệ làm việc tại công ty. Ông Cao Thanh Lương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang cho biết: “Công ty đã xây dựng các phương án ứng phó khi xảy ra trường hợp nghi nhiễm, ca nhiễm; thiết lập kênh liên lạc với trung tâm y tế địa phương, kịp thời thông báo khi xảy ra các vấn đề liên quan dịch COVID-19”.
Theo ông Cao Thanh Lương, nhờ thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, đến nay, Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang duy trì sản xuất liên tục và ổn định. Trong tháng 12-2021, công ty mở rộng thêm nhà máy Kiên Giang 3 để đủ công suất sản xuất cho các đơn hàng trong năm 2022. Đến cuối năm 2021, tổng số lao động tại công ty là 5.000 lao động, tăng 170% so đầu năm 2021. Năm 2021, công ty sản xuất 6,5 triệu đôi giày, tăng 190% so năm 2020.
Bài và ảnh: KHÁNH VY
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: