17/08/2023 09:37
Nhờ chịu khó và biết tận dụng những phần phụ là thân cây chuối, nên sau khi chặt lấy buồng, bà Vỹ lấy bẹ chuối phơi khô. Bẹ chuối sau khi phơi khô thành phẩm sẽ được dùng làm đồ thủ công mỹ nghệ.
Lớn lên và lập nghiệp tại xã Minh Thuận, bà Vỹ cũng như bao người dân khác tại vùng đệm U Minh Thượng đã gắn bó với cây chuối từ bấy lâu nay. Cây chuối được trồng nhiều nhất tại hai xã An Minh Bắc và Minh Thuận, người dân ở đây có thu nhập ổn định, nhiều hộ thoát nghèo bền vững từ loại cây này.
Bà Vỹ chia sẻ: “Quá trình thu mua nông sản của người dân ở xã Minh Thuận, tôi thấy nông dân chỉ lấy bắp và buồng chuối; thân chuối trở thành phế phẩm nông nghiệp, một số ít dùng làm thức ăn cho gia súc. Thân cây chuối bỏ đi thì tiếc quá, tôi suy nghĩ có thể sử dụng để làm những sản phẩm có ích. Do đó, tôi đã nghĩ đến việc lấy bẹ chuối phơi khô làm nguyên liệu sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ như giỏ xách, nón, rổ, dệt ra sợi vải…”.
Quy trình làm ra bẹ và sợi tơ chuối khô được công nhân làm tỉ mỉ.
Đầu năm 2022, bà Vỹ bắt đầu nghiên cứu cách làm ra sản phẩm từ bẹ chuối. Bà đầu tư mua máy móc, thiết bị và mang thân chuối về thử nghiệm. Bà Vỹ cho biết, bà chọn chuối xiêm cho thân cây vào máy xẻ làm bốn. Sau khi được xẻ ra, dùng tay tách chuối ra từng bẹ và đưa vào máy ép bẹ cho mềm, cuối cùng là mang bẹ chuối phơi nắng, khoảng 4 ngày kiểm tra bẹ chuối khô có độ dai thì bó lại với nhau. Bẹ chuối sau khi phơi khô, bà sắp mỗi một bó 15kg.
“Mỗi bẹ chuối khô có độ dài và dày, khi phơi khô có độ dẻo dai, linh hoạt trong tạo hình. Các sản phẩm làm từ thân cây chuối bền hơn, giữ được hình dáng ban đầu và thấm màu nhanh lại không bị phai màu khi sử dụng, đặc biệt các sản phẩm làm từ bẹ chuối khô còn thân thiện với môi trường. Ngoài ra, tôi tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp từ thân cây chuối để nâng cao giá trị kinh tế cho người canh tác, từng bước giữ môi trường sống xanh”, bà Vỹ nói.
Bà Trần Thị Vỹ kiểm tra quá trình phơi khô của bẹ chuối.
Sau quá trình sản xuất bẹ và sợi chuối khô, bà Vỹ đã thử nghiệm tự đan những sản phẩm thủ công mỹ nghệ cơ bản như rổ, giỏ xách, nón... Thấy hiệu quả nên bà quyết định xây nhà xưởng, thuê nhân công khởi nghiệp từ bẹ chuối. Hiện bà thuê 12 nhân công là người địa phương, mỗi nhân công được trả trung bình từ 4-6 triệu đồng/tháng.
Hiện bà Vỹ đã ký hợp đồng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thảo Điền Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang) cung cấp nguyên liệu bẹ và sợi tơ chuối khô để đan các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ nhu cầu thị trường.
Bà Vỹ cho biết: “Bẹ chuối sau khi phơi khô được bán cho công ty với giá 10.000 đồng/kg, sợi tơ chuối bán 80.000 đồng/kg. Phía công ty không quy định thời gian giao nguyên liệu, chỉ cần có đủ số lượng 10 tấn là có thể giao, mỗi hợp đồng có doanh thu khoảng 100 triệu đồng. Uớc tính chi phí đầu tư ban đầu trên 300 triệu đồng, hiện tôi vừa ký hợp đồng đầu tiên nên chưa thu lại được vốn”.
Sản phẩm ống hút được làm từ bẹ chuối khô.
Giữa năm 2022, được sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, bà Vỹ đã mở lớp dạy nghề đan thủ công mỹ nghệ từ bẹ và sợi tơ chuối cho các học viên là người địa phương.
Thời gian tới, khi có đủ trang thiết bị và nhân công, bà Vỹ sẽ nhân rộng mô hình sản xuất nhiều sản phẩm làm từ nguyên liệu bẹ chuối như ống hút, bàn ghế… để xuất khẩu đi nước ngoài, nơi có nhiều nhu cầu sử dụng mặt hàng thủ công mỹ nghệ.
Bài và ảnh: ÚT CHUYỀN
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: