07/01/2021 09:25
MẠNH DẠN CHUYỂN ĐỔI
Trở lại xã Tân Khánh Hòa (Giang Thành) một ngày cuối năm 2020, điều thay đổi dễ nhận ra là những ruộng lúa cho năng suất kém trước đây giờ đã được thay thế bằng những vườn cây trĩu trái. Ông Sơn Cươl, ngụ ấp Tân Khánh là một trong những hộ dân đầu tiên tại xã Tân Khánh Hòa mạnh dạn chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Đến nay, vườn sapô (hồng xiêm) của ông Sơn Cươl đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đang loay hoay hái những trái sapô già để bán cho thương lái, ông Sơn Cươl nói: “Với 190 gốc sapô đang sai trái, mỗi tuần tôi thu hoạch từ 150-200kg, giá bán tại vườn mỗi ký 15.000 đồng. Sapô cho trái quanh năm nên kinh tế gia đình tôi ngày càng khá hơn”. Ngoài trồng sapô, ông Sơn Cươl còn trồng xen kẽ các loại cây ăn trái khác như ổi, hạnh, chanh theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, góp phần tăng thêm thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất.
Đồng chí Phan Thị Huỳnh Như - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Khánh Hòa cho biết: “Cùng với việc chuyển đổi, trồng mới cây ăn trái, xã phối hợp ngành nông nghiệp huyện Giang Thành định hướng cho người dân quan tâm chăm sóc, đầu tư thâm canh những diện tích cây ăn trái đã có để toàn bộ diện tích cây ăn trái sau thu hoạch sinh trưởng, phát triển tốt, bảo đảm năng suất cho vụ sau”.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Hà - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giang Thành, các mô hình trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên năng suất, chất lượng cao, thu nhập bình quân từ 100-300 triệu đồng/ha/năm.
Ông Sơn Cươl, ngụ ấp Tân Khánh, xã Tân Khánh Hòa (Giang Thành) cùng vợ thu hoạch sapô bán cho thương lái.
Năm 2020, Giang Thành có tổng diện tích trồng cây ăn trái 268ha, đạt 141% kế hoạch, tăng 157,5ha so năm 2019, trong đó diện tích đang cho trái gần 100ha, sản lượng khoảng 2.000 tấn. Mở rộng diện tích cây ăn trái là bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế, giảm nghèo bền vững. Do đó, thời gian tới, huyện khuyến khích người dân liên kết thành lập hợp tác xã trồng cây ăn trái, hình thành vùng sản xuất tập trung, sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP.
DIỆN TÍCH TĂNG
Các vườn trái cây của Hợp tác xã cây ăn trái K21, ấp Kênh 5, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) mùa này sai trái. Vườn bưởi và xoài nhà ông Lý Văn Tình - Giám đốc Hợp tác xã cây ăn trái K21 có cả bưởi và xoài, loại nào cũng sai trái. Ông Lý Văn Tình nói: “Trước đây, ấp Kênh 5 chỉ có vài hộ trồng cây ăn trái, nhưng hiện nay tăng lên 32 hộ; tổng diện tích 65ha. Hầu hết các hộ trồng cây ăn trái đều có hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân”.
Theo ông Lý Văn Tình, việc phát triển vườn cây ăn trái trên địa bàn ấp Kênh 5 là xuất phát từ chủ trương chuyển đổi cây trồng truyền thống, kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao và thích ứng biến đổi khí hậu. Những năm 2014-2015, diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn ấp chỉ khoảng 7ha. Sau đợt hạn mặn năm 2016, nhiều loại cây trồng thất mùa, nông sản tại huyện U Minh Thượng giảm giá mạnh, nông dân không có lợi nhuận.
Trước tình hình đó, Đảng ủy xã An Minh Bắc chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã định hướng nông dân trồng một số cây trái có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp thổ nhưỡng địa phương như xoài, bưởi, cóc, mận… Từ đó, diện tích cây ăn trái trên địa bàn ngày càng tăng. Hiện toàn xã An Minh Bắc có 129ha cây ăn trái, trong khi giai đoạn 2014-2015 chỉ khoảng 25ha.
Ông Nguyễn Văn Nam - thành viên Hợp tác xã cây ăn trái K21 cho biết: “Cuối năm 2016, được ngành nông nghiệp huyện U Minh Thượng giới thiệu các mô hình trồng cây ăn trái, tôi mạnh dạn chuyển đổi 4ha đất vườn đã lên liếp định trồng mía sang trồng 500 gốc bưởi da xanh và 500 gốc xoài vì thấy giá mía mấy năm liền quá bấp bênh, chỉ vài trăm đồng một ký. Đến cuối năm 2018, bưởi và xoài bắt đầu thu hoạch, tổng sản lượng từ khi thu hoạch đến nay trên 30 tấn”. Theo ông Nam, thổ nhưỡng tại vùng đệm U Minh Thượng thuộc loại đất than bùn, rất thích hợp cho các loại cây ăn trái phát triển.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh chuyển đổi 1.684ha khu vực trồng lúa nhiễm phèn, kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái như xoài, bưởi, sapô, mít, nhãn, thanh long… tại các huyện như Giang Thành, U Minh Thượng, Hòn Đất, Châu Thành và TP. Rạch Giá. |
Đồng chí Nguyễn Việt Trung - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng cho biết, diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện tăng do thời gian qua các cấp chính quyền, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hỗ trợ đầu tư đê bao khép kín bảo vệ vườn cây ăn trái. Ðồng thời, vận động nông dân cải tạo vườn tạp và chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển vườn cây ăn trái. Thêm vào đó, tình hình biến đổi khí hậu gay gắt nên người dân tích cực chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái để tăng hiệu quả kinh tế.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Ngày 29-10, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang (KITRA) phối hợp Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long tổ chức khóa tập huấn kỹ năng hỗ trợ doanh nghiệp nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
Tổng số lượt truy cập: