27/02/2023 11:03
THAY ĐỔI ĐỂ PHÁT TRIỂN
Tại phiên đấu giá lúa DS1 vụ đông xuân 2022-2023 do Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng tổ chức sáng 16-2, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Huy Quang Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) đã trúng thầu thu mua với giá 8.800 đồng/kg lúa tươi tại ruộng.
“Đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay mà tôi và nông dân trong hợp tác xã bán được, năm ngoái giá 6.500 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ hết chi phí đầu vào, tôi có lợi nhuận khoảng 7 triệu đồng/công tầm lớn, gấp 2 lần so với trước”, ông Nguyễn Hồng Phương (56 tuổi) - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ cho biết.
Để có được khoản lợi nhuận cao chưa từng có này, ông Phương và các thành viên hợp tác xã đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất lúa VietGAP liên tục 10 vụ. Ngoài ra, suốt 5 năm qua, cả cánh đồng 85,6ha chỉ canh tác duy nhất 1 giống lúa DS1 nhằm tránh sự lẫn tạp của hạt lúa, đáp ứng yêu cầu gạo xuất khẩu của doanh nghiệp.
Gần 40 năm gắn bó với cây lúa, chưa bao giờ ông Phương quyết định được giá bán lúa do mình trồng như vụ đông xuân vừa qua. “Tham gia dự thầu đợt này có 18 doanh nghiệp, trong đó có 10 đơn vị cho giá 8.500-8.700 đồng/kg, 6 đơn vị cho giá 8.800 đồng/kg, 1 đơn vị cho giá 9.000 đồng/kg. Qua xem xét các điều kiện, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Huy Quang Tân Hiệp trúng thầu. Nhờ làm ra hạt lúa sạch, chất lượng nên tôi quyết định được giá bán và bán cho ai”, ông Phương nói.
Ban quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) và đại diện doanh nghiệp trúng thầu thăm ruộng lúa DS1 chuẩn bị thu hoạch.
Theo ông Hoàng Văn Tuấn - đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Huy Quang Tân Hiệp, nhờ chốt được hợp đồng gạo Nhật DS1 xuất khẩu qua các nước châu Âu, Nhật, Hàn, Canada nên công ty thu mua giá cao cho người dân. Dự kiến sản lượng lúa thu mua của Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ là 110.000 tấn.
HƯỚNG ĐẾN SẢN XUẤT BỀN VỮNG
Để tăng quy mô sản xuất, tăng vốn điều lệ, đáp ứng yêu cầu liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo, năm 2019, Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ được huyện Giồng Riềng chỉ đạo sáp nhập thêm 3 hợp tác xã khác vào. Tổng diện tích của hợp tác xã này sau khi sáp nhập là 224,4ha, tăng 146,4ha, vốn điều lệ tăng lên gấp đôi so với trước.
Với quyết tâm của ban quản trị và các thành viên trong việc tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về sản xuất nông nghiệp an toàn, tháng 6-2022, 50,01ha lúa của Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ được cấp chứng nhận VietGAP. Hợp tác xã này là một trong số ít hợp tác xã được huyện Giồng Riềng chọn tham gia thực hiện đề án 1 triệu hécta.
Được biết, UBND tỉnh Kiên Giang vừa đăng ký tham gia đề án 1 triệu hécta với diện tích 200.000ha. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho rằng, để triển khai thực hiện hiệu quả đề án trên địa bàn tỉnh cần có chính sách hỗ trợ nông dân về chi phí mua giống lúa xác nhận, vay không thế chấp có định mức và thời hạn cụ thể. Đối với hợp tác xã cần xây dựng chính sách ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, kiến thiết đồng ruộng.
“Thực tế thời gian qua cho thấy, các hợp tác xã rất cần vay vốn không thế chấp để xây dựng kho, máy sấy và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất lúa nhằm phát triển các dịch vụ của hợp tác xã. Các doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ lúa thì cần có chính sách được vay ngân hàng hoặc ngân hàng bảo lãnh để có đủ vốn ngắn hạn cho tiêu thụ lúa và đủ vốn dài hạn xây dựng kho, hệ thống sấy, chế biến. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ chi phí chứng nhận sản phẩm đạt các tiêu chuẩn thực hành tốt (GAP) trong nước hoặc quốc tế với định mức hỗ trợ cụ thể và chi phí chứng nhận sản phẩm đạt chiêu chuẩn carbon thấp”, đồng chí Lê Hữu Toàn nói.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho rằng, Kiên Giang có nhiều thuận lợi khi tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Tỉnh có 3 vùng sinh thái đặc trưng trồng lúa là tứ giác Long Xuyên, tây sông Hậu và U Minh Thượng phù hợp phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao đáp ứng tiêu chí của đề án. Bên cạnh đó, Kiên Giang có hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất, vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Đội ngũ công chức, viên chức làm công tác chuyển giao kỹ thuật trồng lúa đều có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên sẽ đáp ứng tốt nhiệm vụ chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân trong vùng tham gia đề án.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: