12/05/2020 15:34
Bà Trương Thị Kim Nhã (sinh 1964), ngụ ấp Giồng Kè, xã Phú Lợi cho biết bà mua 50ha đất ở xã cách đây khoảng 4 năm. Ban đầu, bà cho nông dân ở ấp thuê để làm lúa 2 vụ. “Sau vài vụ lúa không hiệu quả, nông dân làm ăn thua lỗ nên trả lại đất. Đất của tôi là đất trũng, lại bị nhiễm phèn nặng nên làm lúa không trúng”, bà Nhã cho biết. Để gỡ khó cho bà Nhã, Ban lãnh đạo ấp và lãnh đạo xã hướng dẫn bà chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bà Nhã trồng 3,5ha sen và nuôi cá sặc rằn, phần còn lại trồng khoảng 10.000 cây dừa. “Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nên sen và dừa rất tươi tốt, cá mau lớn. Hiện tại tôi thu hoạch sen cho năng suất cao. Tính ra, 1 công đất trồng sen và dừa thu lãi cao gấp 8 - 10 lần so trồng lúa”, bà Nhã nói.
Anh Phạm Văn Lép (sinh 1977), ngụ ấp Cỏ Quen, xã Phú Lợi kể lại, cách đây 2 năm, 4ha đất trũng, phèn của anh làm lúa không hiệu quả nên phải chuyển sang trồng một số cây ăn trái khác. Anh Lép nói: “Tôi chuyển sang trồng 2.500 cây chanh, 1.000 cây dừa, 1.500 cây mít Thái và khoảng 150 cây bưởi. Hiện tại, chanh có thể thu hoạch. Chanh cho thu hoạch quanh năm, mỗi đợt khoảng 1 tấn/ha. Với giá cả thị trường hiện nay, 1 công đất trồng chanh tôi lợi nhuận gấp nhiều lần trồng lúa”. Đồng chí Thạch Xà Phước - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Cỏ Quen cho biết thời gian qua, ấp đã chuyển đổi 23ha đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng những loại cây phù hợp, cho hiệu quả cao như dừa, mít, xoài, chanh, mãng cầu, khóm, sen... “Chúng tôi luôn khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả hơn lúa. Cùng với đó phối hợp xã Phú Lợi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giang Thành mở các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất cho bà con”, đồng chí Lép thông tin.
Theo UBND xã Phú Lợi, mỗi năm, xã tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi khoảng 20 cuộc trên địa bàn các ấp cho nông dân. Nhiệm kỳ 2015-2020, xã chuyển đổi 150ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang những cây trồng mang lại hiệu quả cao và định hướng đến năm 2025 chuyển đổi thêm 100ha. Đồng chí Trương Văn Kha - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Lợi cho biết: “UBND xã xác định thổ nhưỡng ở khu vực nào trồng những cây gì có thể mang lại hiệu quả cho nông dân. Sau đó định hướng, tuyên truyền trong dân để người dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây trồng như khóm, mãng cầu, chanh, mít, sen, cóc, bưởi, dừa... Chuyển đổi phải theo vùng để hình thành các vùng sản xuất tập trung và khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có, phù hợp định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Xã đảm bảo phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại trồng lúa”.
Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Phú Lợi đem lại hiệu quả kinh tế cao, nông dân phấn khởi. Thu nhập ngày càng nâng cao nên mọi người đều ủng hộ. “1 công rẫy hiệu quả bằng 7 công ruộng. Đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp rất ổn định, không bị thương lái ép giá nên lợi nhuận cao. Đời sống nông dân cải thiện, nhiều hộ vươn lên khá, giàu”, đồng chí Trương Văn Kha cho biết thêm.
TÂY HỒ
(KGO) - Mô hình điểm nông nghiệp đô thị công nghệ cao triển khai tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thanh niên tỉnh Kiên Giang với diện tích 800m2. Mô hình với nhiều sản phẩm nông nghiệp như dưa lưới, táo, cà chua, các loại rau… không sử dụng hóa chất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Tổng số lượt truy cập: