27/07/2021 10:22
TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI DÂN
Nghề đan cỏ bàng huyện vùng biên giới Giang Thành có từ lâu đời, tập trung ở 2 xã Phú Mỹ và Phú Lợi. Tại cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Toàn Tuyền, xã Phú Lợi, một số công nhân đang đan thùng sọt và giỏ xách từ cỏ bàng. Đây là 2 sản phẩm của cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Toàn Tuyền được tỉnh xếp hạng 4 sao năm 2020. Cơ sở này thành lập hơn 4 năm, với nghề chính là sản xuất các vật dụng từ cỏ bàng phục vụ sinh hoạt hàng ngày như thùng, sọt, túi xách, giỏ xách, nón…, giải quyết việc làm cho khoảng 15 lao động địa phương, thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Mỗi năm, cơ sở sản xuất gần 10.000 sản phẩm theo đơn đặt hàng của một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu ở TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Chị Trần Thị Mộng Tuyền - chủ cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Toàn Tuyền cho biết: “Việc cơ sở có 2 sản phẩm thùng sọt cỏ bàng và giỏ xách cỏ bàng được tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao giúp cơ sở sản xuất, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến khách hàng thuận lợi hơn”.
Tại Hợp tác xã phụ nữ cỏ bàng Phú Mỹ có rất nhiều sản phẩm được tạo ra từ cỏ bàng chất đầy trên kệ đang chờ người đến chở đi tiêu thụ. Năm 2020, Hợp tác xã phụ nữ cỏ bàng Phú Mỹ có 3 sản phẩm làm từ cỏ bàng được tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao là tụng bụng phình, túi xách cỏ bàng, sọt cỏ bàng.
Công nhân Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Toàn Tuyền, xã Phú Lợi (Giang Thành) kiểm tra sản phẩm đan từ cỏ bàng.
Anh Lý Hoàng Bảo - Giám đốc Hợp tác xã phụ nữ cỏ bàng Phú Mỹ cho biết: “Ngoài đan truyền thống, bà con còn học thêm những cách đan mới, làm ra nhiều sản phẩm theo xu thế thị trường. Khi sản phẩm làm ra, hợp tác xã thu mua lại và xử lý thêm các khâu may hậu kỳ rồi xuất bán. Riêng 3 sản phẩm của hợp tác xã được xếp hạng 4 sao được hầu hết các thành viên của hợp tác xã đan thành thạo”.
ĐẨY MẠNH XÚC TIẾN, QUẢNG BÁ SẢN PHẨM
Đồng chí Bùi Văn Mến - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Giang Thành cho biết: “Các sản phẩm từ cỏ bàng đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, phù hợp thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Hiện các sản phẩm từ cỏ bàng của huyện xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và châu Âu”. Theo đồng chí Bùi Văn Mến, nghề truyền thống đan cỏ bàng của huyện Giang Thành đã tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động vùng biên, nhất là đồng bào Khmer, với thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Năm 2021, huyện Giang Thành phấn đấu phát triển 16 sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng đạt chuẩn 3 sao trở lên với các chủ thể tham gia là các tổ hợp tác, hợp tác xã, cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Huyện tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cùng với đó xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường, tiếp tục giới thiệu, quảng bá sản phẩm, nhất là ở các nước phát triển; tiếp tục liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm ổn định. Huyện sẽ thu hút đầu tư phát triển làng nghề đan cỏ bàng truyền thống kết hợp du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, tạo sinh kế cho người dân địa phương. Song song đó, liên kết với doanh nghiệp đào tạo, xây dựng đội ngũ thợ thiết kế chuyên nghiệp để hướng dẫn người dân sản xuất sản phẩm cao cấp từ cỏ bàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng cũng như tăng giá trị sản phẩm.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: