14/10/2020 14:55
Anh Khoa sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề đóng xuồng, ghe. Học hết lớp 9, anh nghỉ học, ở nhà phụ cha làm mộc và biết tự đóng xuồng ba lá bán cho khách hàng chỉ một năm sau đó.
KHỞI NGHIỆP TỪ MỘT CHUYẾN ĐI
Năm 2000, một lần trong chuyến đi TP. Hồ Chí Minh, anh Phạm Văn Khoa tình cờ gặp lại người bạn. Qua trò chuyện được bạn giới thiệu việc sử dụng nguyên liệu composite làm các vật dụng như thùng chứa nước, đồ chơi trẻ em. Anh Khoa còn được bạn dẫn đi tham quan xưởng sản xuất và quy trình làm ra một sản phẩm từ composite.
Thấy các sản phẩm làm từ composite dễ làm, chất lượng và bền hơn so với các sản phẩm cùng loại làm bằng nguyên liệu khác, từ đó anh nảy sinh ý tưởng sử dụng nguyên liệu composite để chế tạo xuồng, vỏ lãi và ghe thay cho nguyên liệu gỗ. Nói là làm, ngay trong ngày hôm đó, anh Khoa mua từ người bạn một ít nguyên liệu composite về chế tạo xuồng ba lá.
Công nhân cơ sở sản xuất phương tiện composite Phúc Vinh, ấp Bời Lời B, xã Bình Minh (Vĩnh Thuận) vận chuyển hàng giao cho khách.
“Lấy chiếc xuồng ba lá bằng gỗ làm khuôn, tôi bắt đầu rải sợi và đổ keo, đúng theo trình tự từng lớp. Chỉ trong 2 ngày, tôi đã hoàn thành sản phẩm xuồng ba lá bằng composite. Sản phẩm đầu tiên này tôi bán cho người quen sử dụng thử nghiệm, được họ đánh giá chất lượng tốt, bền hơn so với sản phẩm cùng loại làm bằng gỗ”, anh Phạm Văn Khoa cho biết.
Hiện cơ sở sản xuất phương tiện composite Phúc Vinh có tổng diện tích trên 4ha. Tại cơ sở, hàng trăm phương tiện đi lại và vận chuyển được xếp ngay ngắn theo loại. Trong xưởng chế tạo, các công nhân đang miệt mài làm việc. Cơ sở của anh Khoa bình quân mỗi tháng bán ra khoảng 300 chiếc xuồng, ghe và vỏ lãi. Giá bán mỗi sản phẩm dao động từ vài triệu đến trên 10 triệu đồng. Ngoài bán cho khách hàng 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sản phẩm composite Phúc Vinh còn cung cấp cho các đại lý miền Bắc và miền Trung.
“Anh Phạm Văn Khoa là một trong những doanh nhân tiêu biểu của huyện. Anh Khoa đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.”
Đồng chí TRỊNH TÀI HIỀN
Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Vĩnh Thuận
Nói về quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm vỏ lãi Phúc Vinh, anh Phạm Văn Khoa cho biết: “Sản phẩm mình làm ra được người dân sử dụng để đi trên sông nên phải lấy chất lượng lên hàng đầu”. Theo anh Khoa, chính vì đảm bảo chất lượng nên đầu ra sản phẩm năm sau luôn cao hơn năm trước.
ĐAM MÊ SÁNG TẠO
Với niềm đam mê sáng tạo, anh Khoa còn nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm thành công sản phẩm bê tông bọt khí. Đây là một nguyên liệu mới của ngành xây dựng, có khả năng thay thế vật liệu gạch phục vụ trong xây dựng. Theo anh Khoa, bê tông bọt khí là một trong các loại vật liệu thân thiện môi trường, có ưu điểm nhẹ nên giảm tải trọng nhiều.
Chi phí làm nhà cao tầng có thể giảm một nửa nếu dùng toàn gạch bê tông bọt khí để xây tường ngăn. Tính năng ưu việt nhất của bê tông bọt khí là khả năng cách âm và cách nhiệt. Do đó, trước mắt anh Khoa sẽ nhận làm trước một số sản phẩm có nhu cầu cách âm, cách nhiệt như phòng karaoke và vách tường ngăn cho khách.
Cơ sở sản xuất phương tiện composite Phúc Vinh có 2 sản phẩm đạt giải công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Nam và đang được Cục Công nghiệp địa phương đề xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Trung ương. |
Đồng chí Trịnh Tài Hiền - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Vĩnh Thuận, cho biết: “Sản phẩm bê tông bọt khí của anh Phạm Văn Khoa đã được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen sáng chế hữu ích năm 2015. Bởi đây là sản phẩm thân thiện môi trường, có khả năng thay thế các sản phẩm có cùng công dụng hiện tại trong khi nguồn nguyên liệu đất để sản xuất ra sản phẩm gạch trong xây dựng ngày càng khan hiếm”.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: