13/07/2023 13:50
CHUYỂN ĐỔI THÀNH CÔNG
18 năm trước, ông Tám Hiền quyết định ngừng kinh doanh lúa gạo, về ấp Thái Hưng, xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) mua 5,5ha đất làm ruộng. Canh tác được vài vụ, thấy giá lúa bấp bênh, ông chuyển sang trồng khoai nhưng thua lỗ vì giá khoai liên tục giảm.
Sau thất bại, ông Hiền đi nhiều nơi để học tập kinh nghiệm sản xuất. Trong lần đến một số nhà vườn tại TP. Cần Thơ tham quan, ông được các bậc cao niên nơi đây động viên chuyển đổi trồng cây ăn trái theo hướng lấy ngắn nuôi dài để giảm rủi ro trong sản xuất. Thế là, ông Hiền quyết định lập vườn, đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để lên liếp trồng 10.000 gốc hạnh xen canh với mít Thái, nhãn Ido.
Ông Hiền, ngụ xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để lên liếp trồng 10.000 gốc hạnh xen canh với mít Thái, nhãn Ido. Trong ảnh: Công nhân thu hoạch hạnh tại vườn của ông Hiền.
Nhờ đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm nên chỉ sau hơn 1 năm, vườn hạnh cho thu hoạch, đủ chi phí để cung cho mít, nhãn. Để tránh dội chợ và bán được giá cao, ông Hiền xử lý cho hạnh ra trái rộ vào mùa nắng nóng, mùa mưa giảm sản lượng. Bình quân ông thu hoạch được từ 300-400 tấn hạnh thương phẩm/năm.
Ông Trần Văn Hiền, ngụ xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) bên vườn hạnh của gia đình.
Đưa chúng tôi tham quan vườn hạnh sum suê trái với hàng chục lao động đang tất bật thu hoạch, ông Hiền nói: “Hạnh mùa nắng giá 12.000-15.000 đồng/kg, mùa mưa giá chỉ 5.000 đồng/kg. Nắm được tình hình biến động giá cả thị trường nên mùa hạnh giá rẻ tôi chỉ cho thu hoạch khoảng 500kg/ngày, còn lúc được giá thì thu hoạch có ngày lên đến vài tấn”.
Do cây đã lâu năm nên nhẹ công chăm sóc, sai trái và chi phí đầu vào thấp; hiện giá hạnh ở mức thấp ông Hiền cũng còn lời 2.000 đồng/kg, thời điểm giá hạnh 12.000 đồng/kg, lợi nhuận tăng lên 5.000 đồng/kg. Bình quân ông Hiền có lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng từ hạnh thương phẩm.
TĂNG GIÁ TRỊ SẢN PHẨM
Trang trại của ông Hiền áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn nên ưu tiên sử dụng phân hữu cơ và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Có lẽ vì vậy mà vườn hạnh nhà ông cho trái quanh năm, ít sâu bệnh.
Không chỉ điều chỉnh thời vụ, vào thời điểm giá trên thị trường giảm, ông Hiền thu hoạch hạnh làm nguyên liệu sản xuất tinh dầu, mứt hạnh mật ong và mứt hạnh đường phèn... Ông Hiền kể: “Hai năm trước khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra, hạnh thu hoạch không bán được phải đổ bỏ rất nhiều. Chính điều này đã thôi thúc gia đình tôi tìm giải pháp để tăng giá trị cho trái hạnh”.
Công nhân thu hoạch hạnh tại vườn của ông Hiền, xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất (Kiên Giang).
Theo ông Hiền, hạnh là vị thuốc hỗ trợ chữa ho, viêm họng, lạnh bụng, cảm... Tinh dầu từ vỏ hạnh giúp thư giãn, tốt cho sức khỏe. Từ ý tưởng đó, ông Hiền và con gái ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành y dược tìm hiểu thiết bị, quy trình để chưng cất tinh dầu và chế biến các loại mứt từ hạnh.
Đầu năm 2020, ông Hiền đầu tư hơn 500 triệu đồng để làm nhà xưởng, hạ điện thế, trang bị 2 máy chưng cất tinh dầu và dây chuyền sản xuất. Đối với sản phẩm mứt hạnh, ông cũng dày công nghiên cứu công thức, các thành phần bổ trợ để sản phẩm thơm, ngon hơn. Trải qua những khó khăn, thách thức trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, đầu năm 2021, ông Hiền thành công với sản phẩm tinh dầu hạnh.
Tinh dầu hạnh sau khi chưng cất được chiết xuất ra chai nhỏ 10ml giúp khách hàng tiện sử dụng.
Ban đầu, sản phẩm làm ra chủ yếu chỉ để quảng bá, tặng đồng nghiệp và bán cho người quen. Với hương, vị phù hợp thị hiếu người dùng, sản phẩm từng bước được thị trường ưa chuộng, tin dùng.
Hiện cơ sở kinh doanh Phúc Lộc của ông Hiền cung ứng ra thị trường khoảng 600 lít tinh dầu hạnh, vỏ quýt/năm (loại chai 10ml) và 1.500kg mứt hạnh mật ong, hạnh xí muội đường phèn/năm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, ông Hiền cho biết: “Mặc dù việc sản xuất đi vào guồng máy ổn định nhưng tôi luôn tìm tòi và nghiên cứu những loại máy móc, công nghệ để gia tăng công suất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chú trọng thiết kế bao bì và phát triển thêm dịch vụ thiết kế gói quà tặng để phục vụ dịp lễ, tết”.
Bài và ảnh: AN LÂM
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: