15/07/2020 18:01
An Minh là vùng sản xuất tôm - lúa. Theo kế hoach năm 2020 huyện thả nuôi trên 52.000ha; trong đó diện tích tôm - lúa trên 31.000ha, vùng chuyên nuôi tôm gần 6.000ha. Riêng diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 9.000ha. Để nâng cao hiệu quả nuôi tôm quảng canh, mới đây ngành nông nghiệp huyện triển khai mô hình “nuôi tôm sú 2 giai đoạn luân canh trồng lúa quản lý cộng đồng”, bước đầu cho thấy hiệu quả vượt trội so nuôi quảng canh truyền thống.
Người dân tham gia mô hình “nuôi tôm sú 2 giai đoạn luân canh trồng lúa quản lý cộng đồng” cùng cán bộ Trạm Khuyến nông huyện kiểm tra độ sinh trưởng tôm nuôi trong ao vèo.
Theo kỹ sư Nguyễn Hồng Hài - Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện An Minh, nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn ưu điểm nổi bật là tôm giống khi đem về vèo trong ao bạt chỉ cần diện tích nhỏ, chủ động xử lý môi trường nước, quá trình chăm sóc, quản lý giống như trại sản xuất giúp tôm khỏe mạnh, mau lớn, đạt tỷ lệ sống cao. Khi vèo tôm giai đoạn 1 nước được lấy từ vuông nuôi nên các yếu tố môi trường nước tương đồng, khi chuyển tôm xuống ao đất tôm không bị sốc. Người nuôi có thể kiểm soát được mật độ tôm nuôi ở từng giai đoạn phát triển, nhờ đó chủ động lượng thức ăn bổ sung.
Về quy trình nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn, tôm nuôi trong vèo từ 17 - 20 ngày, sau đó sẽ chuyển tôm ra vuông và tiếp tục quản lý nguồn nước và bổ sung thức ăn (chủ yếu các loại nhuyễn thể). Sau 2 - 3 tháng thả nuôi, người dân có thể thu hoạch tôm. Anh Nguyễn Minh Dân - Giám đốc hợp tác xã Hiệp Lực, xã Đông Hòa, nơi được chọn triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn, cho biết quy trình kỹ thuật của nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn giúp người dân kiểm soát tốt số lượng lẫn chất lượng tôm thả nuôi, từ đó giảm chi phí đầu vào, hạn chế, kiểm soát được dịch bệnh, nâng cao năng suất. Với mô hình này, người dân chỉ cần tận dụng bờ bao hoặc sân nhà 30 - 50m2 là có thể làm ao bạt vèo tôm, trong khi các công đoạn nhằm ổn định độ pH, khí độc, xử lý men vi sinh… khá dễ. Nhờ vậy, tôm giống đảm bảo phát triển tốt, ít hao hụt, lớn nhanh hơn so vèo trong hầm đất.
“Quá trình nuôi tôm sú quảng canh 2 giai đoạn, người dân sử dụng các loại men vi sinh, chế phẩm sinh học thân thiện môi trường trong việc tạo màu nước, tái tạo nguồn thức ăn cho tôm. Đây chính là yếu tố hướng tới sự bền vững trong nuôi tôm hiện nay”, đồng chí LÊ VĂN KHANH - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh.
Đồng chí Lê Văn Khanh - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh cho biết nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn là hướng đi mới cho người dân nuôi tôm quảng canh tại địa phương. Với mô hình này, người nuôi tôm không chỉ quản lý được tỷ lệ sống của tôm trong giai đoạn vèo mà còn chủ động được thời vụ. Nếu như trước kia, vùng này chỉ có thể nuôi tối đa 2 - 3 vụ/năm thì với mô hình nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn, người dân nuôi từ 3 - 4 vụ.
Hiện huyện An Minh triển khai 50ha thực hiện mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn, cuối tháng 7-2020 sẽ có hội thảo đánh giá hiệu quả và tiếp tục nhân rộng mô hình. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang làm việc với các công ty sẽ bao tiêu không chỉ tôm mà cả lúa trên đất nuôi tôm để tránh đầu ra sản phẩm của người dân bị ép giá.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Mô hình điểm nông nghiệp đô thị công nghệ cao triển khai tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thanh niên tỉnh Kiên Giang với diện tích 800m2. Mô hình với nhiều sản phẩm nông nghiệp như dưa lưới, táo, cà chua, các loại rau… không sử dụng hóa chất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Tổng số lượt truy cập: