21/06/2021 19:20
Từ năm 2019, tình hình dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp trên địa bàn TP. Rạch Giá, nhiều hộ nuôi heo bỏ chuồng không tái đàn. Nhận thấy mô hình nuôi lươn không bùn đem lại hiệu quả kinh tế cao nên một số hộ mạnh dạn đầu tư cải tạo chuồng heo cũ và xây dựng thêm một số bể để nuôi lươn. Đi đầu trong việc sử dụng chuồng heo bỏ trống để nuôi lươn là anh Đặng Trung Trường, ngụ khu phố Vĩnh Viễn, phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá.
Anh Trường cho biết, sau một thời gian tìm hiểu, tham quan mô hình và học hỏi kinh nghiệm nuôi lươn ở các tỉnh Long An, Tiền Giang và một số hộ nuôi tại địa phương, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống lọc, xử lý nước và 10 bể nuôi lươn diện tích mỗi bể 10 -12m2. Xung quanh bể và đáy bể được lát gạch men, giá thể sử dụng trong bể nuôi là dây nylon.
Lúc đầu, anh Trường thả 6.000 con lươn giống vào 1 bể nuôi để dễ chăm sóc, quản lý khi lươn còn nhỏ. Sau 1 tháng nuôi, lươn lớn và phân đàn, anh Trường tiến hành phân chia lươn ra 3 bể nuôi, mỗi bể 1.800 con, còn lại một số lươn nhỏ tách ra nuôi thúc riêng.
Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Đặng Trung Trường, ngụ khu phố Vĩnh Viễn, phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá.
Sau 10 tháng nuôi, lươn đạt trọng lượng 200 -250g/con. Anh xuất bán 3 bể nuôi được 1.050kg, giá 200.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Hiện tại, gia đình anh Trường nuôi 4 bể lươn, thả 10.000 con giống; 2 bể có trọng lượng khoảng 40 con/kg, 2 bể còn lại trọng lượng 100 con/kg.
Theo anh Trường, lươn là loài dễ nuôi, ngày cho ăn hai lần vào lúc 7 giờ và 18 giờ, định kỳ bổ sung men tiêu hóa, vitamin C để tăng sức đề kháng cho lươn. Ngoài ra, anh Trường còn bổ sung trùn quế trộn với thức ăn nhằm tăng khả năng bắt mồi của lươn, thay nước hàng ngày trước khi cho lươn ăn cữ sáng, sau mỗi cữ ăn khoảng 1 tiếng, người nuôi dùng vợt vớt thức ăn thừa lắng dưới đáy bể ra ngoài nhằm hạn chế thức ăn dư làm ô nhiễm nguồn nước.
Người nuôi lươn cần lưu ý nguồn nước phải được xử lý lắng, lọc kỹ trước khi cho vào bể nuôi. Thức ăn cho lươn phải còn hạn sử dụng và đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng.
Anh Trường cho biết, hiện tại anh chuẩn bị đào ao để nuôi lươn bố mẹ và sản xuất lươn giống, nhằm phục vụ cho gia đình nuôi và cung cấp con giống cho người dân ở địa phương có nhu cầu.
Qua mô hình nuôi lươn không bùn của anh Đặng Trung Trường cho thấy đây là mô hình dễ thực hiện, diện tích không cần nhiều, những hộ gia đình chỉ cần vài chục mét vuông đất có thể xây bể nuôi được. Đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế và đang được nhiều hộ dân nhân rộng tại địa phương.
Bài và ảnh: THÁI VĂN SANG
(Trạm Khuyến nông Rạch Giá)
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: