24/11/2020 10:03
ĐƯỢC GIÁ CAO
Để sản xuất an toàn, các hộ trồng màu tập trung sản xuất ở những khu vực gò cao, đê bao kiên cố. Diện tích thu hẹp, sản lượng rau màu giảm mạnh do mưa, bão gây thiệt hại trong khi sức tiêu thụ ổn định nên hiện tại hầu hết giá các loại rau màu đều tăng ở mức cao giúp nông dân tăng lợi nhuận. Một số mặt hàng thế mạnh của tỉnh như hành lá giá 25.000 đồng/kg, ớt 65.000 đồng/kg, khổ qua 15.000 đồng/kg, bầu 12.000 đồng/kg, bí đao 11.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so thời điểm trước mùa lũ. Với mức giá này, người trồng có lãi 30 - 50 triệu đồng/ha.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, ngụ ấp Tân Quới, xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp) chăm sóc ruộng dưa leo mới trồng.
Tại xã Bàn Thạch (Giồng Riềng), ông Danh Búng, thành viên Hợp tác xã trồng màu Thịnh Phát đang thu hoạch 4.000m2 dưa leo. “Nhờ năm nay tôi gia cố đê bao khá cao nên nước lũ không vào được. Nhờ bảo vệ được ruộng dưa nên khi dưa leo tăng giá gia đình có dưa để bán, mỗi ngày thu hoạch được 400 -900kg”, ông Búng cho biết. Hiện giá dưa leo thương lái mua tại ruộng giá 6.000 đồng/kg. Theo ông Trần Văn Đắc - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã trồng màu Thịnh Phát, toàn hợp tác xã có gần 20ha đất chuyên canh cây dưa leo của 28 hộ. Với năng suất bình quân 2,5 tấn/ha/vụ, giá dưa leo bình quân 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi 6 triệu đồng/1.000m2/vụ.
CHỦ ĐỘNG BẢO VỆ SẢN XUẤT
Những ngày này, hầu hết hộ trồng màu ấp Tân Quới, xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp) đều kê sẵn máy bơm tại ruộng nhằm kịp thời ứng phó khi nước dâng cao, không để ruộng trồng màu bị thiệt hại. Chiều muộn, vợ chồng anh Nguyễn Văn Mạnh, ngụ ấp Tân Quới vẫn còn ngoài đồng bơm nước khỏi ruộng dưa leo mới xuống giống.
Anh Mạnh nói: “Những cơn mưa vừa qua làm hư hết 30% cây giống. Dù tôi đã ương cây giống sẵn trên bờ mới đem trồng nhưng vẫn thiệt hại. Mùa này trồng rẫy khó khăn nhưng nhờ bán được giá hơn nên tôi cố gắng chăm sóc 4.000m2 rẫy trồng dưa leo của gia đình”.
Ông Danh Búng, thành viên Hợp tác xã trồng màu Thịnh Phát, xã Bàn Thạch (Giồng Riềng) thu hoạch dưa leo.
Để bảo vệ ruộng màu khỏi thiệt hại, nông dân sử dụng máy bơm để bơm tát. Do đó, chi phí sản xuất tăng cao. Ông Trần Văn Đắc nói: “Mưa nhiều và mực nước tăng nhanh khiến bà con không kịp trở tay. Ngoài một vài diện tích bị ngập cục bộ, hợp tác xã có 6.000m2 dưa leo của 2 hộ bị thiệt hại hoàn toàn do ngập úng nhiều ngày. Hiện hợp tác xã có 15.000m2 đang cho trái, tuy bán giá cao gấp đôi mọi khi nhưng chi phí đầu vào tăng lên vì chi phí bơm tát tăng bình quân 100 ngàn đồng/ngày”.
Theo ông Đắc, hầu hết diện tích trồng màu của các hộ nằm rải rác nên khó làm đê bao tập trung. Ông Đắc kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay để nông dân trong hợp tác xã có thêm nguồn vốn gia cố bờ bao, bảo vệ sản xuất an toàn trong mùa mưa, bão.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng, do ảnh hưởng của bão số 6, số 7, số 8 và số 9 khiến mưa kéo dài kết hợp triều cường dâng cao đã làm thiệt hại trên 119ha rau màu các loại, 1,59ha hồ tiêu, 5,63ha cây ăn trái. Đồng chí Trần Ngọc Khải - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng cho biết: “Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng phối hợp ủy ban nhân dân các xã, thị trấn phân công trực, thông báo các lực lượng sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra nhằm hạn chế thiệt hại do mưa, bão. Đồng thời, chúng tôi đã thống kê, khảo sát diện tích lúa ngập úng, cho đắp các đê bao tạm với chiều dài hơn 3.000m để bơm tát nước thu hoạch các diện tích lúa đang ngập nước”.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: