10/01/2022 19:51
Với đam mê chăn nuôi ấp ủ từ nhỏ, anh Đường dành nhiều thời gian tìm hiểu các mô hình chăn nuôi hiệu quả từ nhiều kênh thông tin. Anh đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm thực tế. Năm 2016, anh biết mô hình nuôi rắn ri voi thương phẩm. Sau chuyến đi đến tỉnh Hậu Giang, anh mua được 22 con rắn bố mẹ, với giá 150.000 đồng/con. Tận dụng diện tích đất nhà, anh xây bể nuôi xi măng theo kiểu bán nhân tạo để nuôi rắn. Anh Đường cho biết: “Rắn ri voi sinh sản từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, mỗi con rắn cái đẻ được 6-7 rắn con. Rắn từ khi sinh đến biết ăn khoảng 45 ngày. Rắn giống xuất bán với giá 70.000 đồng/con, nếu tiếp tục nuôi thương phẩm thì giá dao động từ 500.000-700.000 đồng/kg. Rắn ri voi có thể ăn nòng nọc, ếch, nhái và các loại cá không vảy nhỏ”.
Lấy lợi nhuận từ mô hình nuôi rắn ri voi, anh Đường đầu tư nuôi ếch. Dự tính ban đầu anh nuôi ếch lấy thịt và lấy nòng nọc làm thức ăn cho rắn. Trong quá trình nuôi, anh phát hiện ếch cái sinh sản rất cao, một con ếch giống có thể đẻ 5.000-6.000 ếch con/năm và có nhiều người tìm mua ếch giống. Nắm bắt cơ hội này, anh Đường mở rộng trang trại, để giống cho ếch sinh sản và bán ếch giống với giá 1.500 đồng/con. Với trang trại nuôi rắn, ếch chưa đến 300m2, anh Đường thu lợi nhuận mỗi năm khoảng 50-60 triệu đồng.
Sau thành công của mô hình nuôi rắn và ếch, anh Đường tiếp tục đầu tư nuôi cua đinh, ba ba và chồn hương. Theo anh Đường, đây là những vật nuôi có giá trị kinh tế cao, ổn định và phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương. Cua đinh có giá từ 500.000-800.000 đồng/kg. Chồn hương nuôi một năm có thể sinh sản, trước đây có giá 800.000 đồng/kg, hiện lên 1,2 triệu đồng/kg. Ba ba dễ nuôi và có khả năng sinh sản cao.
Sau một năm, cua đinh được anh Trần Văn Đường nuôi đã nặng từ 6-8kg.
Đam mê chăn nuôi, hàng ngày anh Đường vẫn tự tay chăm sóc trang trại, tự tìm thức ăn cho vật nuôi, dọn vệ sinh chuồng trại. Bằng sự thông minh, nhạy bén trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường, anh Đường đầu tư có chọn lọc từng loại vật nuôi, ưu tiên những con giống đang được giá để đảm bảo đầu ra lợi nhuận cao nhất. Vật nuôi từ trang trại của anh Đường không chỉ cung cấp cho thị trường huyện Gò Quao mà còn ở huyện Châu Thành, TP. Rạch Giá, TP. Cần Thơ và xuất khẩu ra nước ngoài. Khi đã thu lợi nhuận, anh tiếp tục đầu tư phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Anh Đường chia sẻ: “Lúc đầu gia đình không ủng hộ việc tôi đầu tư chăn nuôi vì đa số những con vật có giá trị kinh tế cao thường có thời gian chăm sóc dài khoảng 1-4 năm mới thu lại vốn và lợi nhuận. Nhưng với niềm đam mê, tôi vay vốn và làm mướn, dành dụm tiền xây bồn xi măng nhỏ sau nhà, nuôi rắn quy mô nhỏ, khi nào có lãi mới tiếp tục đầu tư. Sau 3 năm, thấy được hiệu quả từ các mô hình, gia đình tôi đã ủng hộ.”
Đồng chí Phạm Quốc Trị - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Phước A cho biết, mô hình chăn nuôi của anh Đường mang lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận kéo dài nhưng phải đầu tư nhiều vốn, thời gian và công chăm sóc. Vì thế, phải có đam mê, siêng năng và quyết tâm cao mới có thể thành công với mô hình này. Anh Đường xuất thân từ nông dân, năng động, sáng tạo, chịu khó đi nhiều nơi tìm tòi, học hỏi các mô hình kinh tế. Anh nhiệt tình và sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi cho mọi người.
Bài và ảnh: BẢO TRÂN
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: