07/12/2021 14:35
TRỒNG ĐỒNG LOẠT
Về huyện Giồng Riềng những ngày này, chúng tôi cảm nhận không khí tết đang đến gần. Trên nhiều cánh đồng trồng dưa hấu ở các xã Vĩnh Thạnh, Long Thạnh, người dân đang tất bật chăm sóc vụ dưa hấu tết, dưa đang ở giai đoạn được lấy nhụy thụ phấn. Các hộ trồng dưa cho biết, dự kiến khoảng 23-26 tháng chạp sẽ thu hoạch dưa hấu đồng loạt.
Nông dân huyện Giồng Riềng chăm sóc dưa hấu tết.
Năm nay, toàn huyện Giồng Riềng xuống giống trên 100ha dưa hấu, tập trung chủ yếu ở các xã Vĩnh Thạnh, Long Thạnh và Thạnh Hòa. Đồng chí Nguyễn Thái Đông - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng cho biết: “Năm nay, ngoài các giống dưa có chất lượng cao như Hắc Mỹ Nhân được trồng đại trà, nhiều nông dân có kinh nghiệm chọn giống dưa truyền thống có mẫu mã đẹp, giữ được lâu như Mai An Tiêm có trái to tròn hay dưa hấu vàng thường sử dụng để trưng bày dịp tết. Vì thế, dưa hấu phục vụ thị trường tết năm nay nhìn chung khá phong phú, đa dạng về chủng loại”.
Vụ dưa tết năm nay, nông dân xã Vĩnh Thạnh (Giồng Riềng) trồng hơn 80ha dưa hấu các loại. Là người gắn bó nhiều năm với nghề trồng dưa hấu bán dịp tết, anh Trần Hoàng Phương, ngụ ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thạnh cho biết: “Năm nay ngoài trồng dưa hấu tròn chưng tết, tôi trồng thêm hai giống dưa mới, đó là kim hồng và dưa lê 999 F1. Dưa kim hồng có vỏ màu vàng óng ánh. Còn dưa lê 999 F1 là giống dưa do Thái Lan sản xuất, có vỏ mỏng, dày cơm, khi chín có mùi thơm ngào ngạt, ít nhiễm sâu bệnh so các giống dưa khác”.
Mặc dù đã xuống giống và bỏ công chăm sóc dưa hấu, nhưng nhiều nông dân tỏ ra lo lắng về việc tiêu thụ dưa hấu tết trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Anh Lê Hữu Tấn, ngụ ấp Đường Gỗ, xã Long Thạnh (Giồng Riềng) trồng hơn 1.000 dây dưa hấu vàng ruột đỏ và tạo hình dưa hấu hồ lô, nói: “Tôi lo lắng đầu ra. Hy vọng đến tết, dịch COVID-19 tạm lắng, việc bán dưa thuận lợi”. Theo anh Tấn, với 3.000m2 đất cạnh nhà, anh trồng giống dưa hấu vàng ruột đỏ, trái có hình tròn như dưa hấu thông thường, kích cỡ tối đa có thể đạt 4-5kg/trái. Khi được tạo hình hồ lô, trọng lượng trái giới hạn khoảng 2-3kg/trái. Dưa hấu vàng sau khi tạo hình bán giá từ 250.000-300.000 đồng/trái (loại 2,5-3kg/trái), cao gấp 12 lần so giá dưa hấu không tạo hình.
Nông dân huyện Giồng Riềng chăm sóc dưa hấu tết.
Những ngày qua, nông dân huyện Giang Thành cũng vào vụ trồng dưa hấu tết. Toàn huyện năm nay trồng trên 60ha dưa hấu. Vĩnh Điều là xã có diện tích trồng dưa hấu nhiều nhất huyện Giang Thành với trên 40ha. Đang loay hoay cùng 6 người dân khác cắt bớt các dây dưa hấu thừa, ông Trần Văn Rết - tổ trưởng tổ trồng màu ấp Đồng Cừ, xã Vĩnh Điều (Giang Thành) nói: “Năm nay, thời tiết thuận lợi, dưa hấu phát triển tốt. Với 3ha dưa hấu của gia đình, dự kiến thu hoạch khoảng 3 tấn dưa kịp phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022”. Ông Rết nhận định, giá dưa hấu tết tầm 4.500-5.000 đồng/kg, với giá này ông lời khoảng 20 triệu/ha.
CHÚ TRỌNG KỸ THUẬT TRỒNG
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay toàn tỉnh trồng khoảng 500ha dưa hấu, tập trung nhiều ở các huyện Giồng Riềng, Hòn Đất, Vĩnh Thuận, Giang Thành, U Minh Thượng. |
Theo đồng chí Nguyễn Thành Được - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giang Thành, ngoài năng suất, trồng dưa hấu tết cần nhất là mẫu mã đẹp, trái to tròn đều, giòn, ngọt. Để đạt được điều này, việc chọn giống là rất quan trọng. Do đó, người dân nên chọn các giống như dưa hấu An Tiêm có sức sinh trưởng mạnh, dễ ra hoa, đậu trái, năng suất cao, trái tốt, trọng lượng trái từ 3-6 kg. Hiện nay đã có các giống An Tiêm 94, An Tiêm 95, An Tiêm 98, An Tiêm 100, hay giống Tiểu Hắc Long vỏ đen, hạt lép, trái ngon, ngọt, chưng lâu không bị úng, mỗi trái nặng từ 3-8kg nên được người trồng và người tiêu dùng ưa chuộng. Giống hồng cúc vỏ vàng thích hợp để người trồng sáng tạo nhiều hình dạng đẹp mắt, phục vụ thị hiếu người tiêu dùng.
Anh Trần Hoàng Phương cho rằng, do dưa hấu là loại thân thảo, thân chính dài từ 1-6m, nên khoảng cách giữa các liếp trồng từ 5-6m, chiều rộng liếp từ 1-1,1m. Khoảng cách trồng thưa để dây dưa dễ bò và thuận lợi cho các công đoạn sửa dây, tuyển trái sau này. Liếp trồng cao 30-40cm, đảm bảo thoát nước tốt vì dưa hấu chịu úng rất kém. Sửa dây dưa là một kỹ thuật cần thiết trong việc trồng dưa hấu, người trồng dưa cần điều chỉnh cho các dây bò song song nhau theo thứ tự thẳng góc với hàng trồng, không để dây quấn chồng lên nhau, gây khó khăn trong việc tuyển trái và ảnh hưởng khả năng quang hợp của cây, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển.
Với sự chuẩn bị chu đáo của người dân, hy vọng vụ dưa hấu tết năm nay sẽ trúng mùa, trúng giá để người trồng dưa thu lợi nhuận cao, đón tết sung túc và đầm ấm.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: