26/01/2022 15:30
RỘN RÀNG MÙA THU HOẠCH
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh xuống giống khoảng 13.000ha rau màu các loại phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm 2022, tập trung tại các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành, Tân Hiệp, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Hòn Đất, Giang Thành…Ước tính sản lượng rau màu cung cấp cho thị trường tết khoảng 250.000 tấn.
Các loại rau màu được trồng phổ biến như kiệu, dưa leo, bầu, mướp, khổ qua, gừng, khoai môn, bắp cải, cà chua… Để kịp thu hoạch rau màu đúng dịp Tết Nguyên đán, nông dân trong tỉnh chủ động làm đất, xuống giống trước đó khoảng 2 tháng đối với các loại rau màu ngắn ngày. Đối với các loại củ, quả có thời gian sinh trưởng dài ngày, việc xuống giống được chuẩn bị từ nhiều tháng trước tết. Chỉ còn vài ngày nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, thời điểm nay, các hộ dân trồng rau màu trên địa bàn tỉnh tất bật thu hoạch để kịp phục vụ thị trường tết.
Huyện Hòn Đất là vùng trồng kiệu lớn nhất của tỉnh ta, tập trung nhiều tại các xã Mỹ Thuận, Mỹ Hiệp Sơn, thị trấn Sóc Sơn... Để kịp bán dịp tết, nông dân tiến hành làm đất, xuống giống kiệu từ đầu tháng 6 âm lịch. Hiện người trồng kiệu rất phấn khởi vì chưa có năm nào giá kiệu tăng cao như năm nay. Giá kiệu thu mua tại ruộng hiện 20.000 đồng/kg, tăng gấp 2-3 lần so dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Ông Lê Minh Quang, ngụ ấp Sơn Thuận, xã Mỹ Thuận (Hòn Đất) chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 8 công kiệu để bán trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Năm nay, kiệu thất mùa nhưng được giá bán, năng suất chỉ đạt khoảng 4 tấn/công. Tôi vừa thu hoạch 32 tấn kiệu, thương lái mua 20.000 đồng/kg, lợi nhuận trên 400 triệu đồng sau khi trừ chi phí sản xuất”.
Thương lái thu mua kiệu tại xã Mỹ Thuận (Hòn Đất).
Những ngày cận tết, tại các cánh đồng kiệu rộn rã tiếng nói, tiếng cười của nhân công thu hoạch. Phần lớn nhân công nhổ kiệu là phụ nữ. Nhờ mùa kiệu tết, nhiều phụ nữ nghèo có thêm thu nhập để đón tết. Chị Lê Thị Tươi, ngụ ấp Sơn Thuận, xã Mỹ Thuận (Hòn Đất) cho biết: “Cứ đến mùa thu hoạch kiệu, tôi cùng các chị em trong ấp đi nhổ kiệu thuê, được trả công 25.000 đồng/giờ. Có những thời gian cao điểm thu hoạch kiệu đến tận đêm. Mỗi ngày tôi kiếm thêm khoảng 250.000 đồng”.
NIỀM VUI TRÚNG MÙA, ĐƯỢC GIÁ
Theo nhiều nông dân, dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ các loại rau màu tăng mạnh, nên giá bán cao hơn so ngày thường, nhất là thời điểm từ 27-12 âm lịch, giá rau màu tăng gấp 3-4 lần. Rau màu được trồng quanh năm. Nông dân tranh thủ tăng diện tích gieo trồng bán dịp tết để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị đón tết tươm tất, sung túc hơn. Ông Ngô Văn Mãnh, ngụ ấp Sơn Thuận, xã Mỹ Thuận (Hòn Đất) cho biết: “Gia đình tôi vừa thu hoạch 3 công hành lá, còn lại 5 công trồng rau lá như xà lách, ngò rí, rau thơm đang thu hoạch hàng ngày để cung ứng cho thị trường tết. Thời tiết năm nay khá thuận lợi, rau ít sâu bệnh, rau bán được giá, trừ hết chi phí, tôi lãi khoảng 15 triệu đồng/công, có tiền sắm quần áo, mua bánh mứt cho các con”.
Ông Danh Chung, ngụ phường An Bình (TP. Rạch Giá) thu hoạch dưa leo.
Ông Danh Chung, ngụ phường An Bình (TP. Rạch Giá) tận dụng diện tích đất trống gần 1.000m2 trồng dưa leo và bông cải để bán dịp tết. Ông Chung chia sẻ: “Hội Nông dân phường tạo điều kiện giúp tôi vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư làm hệ thống tưới phun tự động và nhà lưới sản xuất rau an toàn. Tôi đang thu hoạch cung ứng ra các chợ khoảng từ 70-100kg/ngày gồm dưa leo và bông cải. Sau đợt dịch COVID-19, giá các loại rau màu dần khôi phục trở lại, tạo sự phấn khởi cho nông dân trong dịp tết này”.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: