18/07/2023 18:07
Thấy làm lúa không hiệu quả, gia đình anh Lê Văn Lượm, ngụ ấp Hòa Thọ, xã Mong Thọ, huyện Châu Thành mạnh dạn chuyển đổi hơn 2 công đất trồng lúa sang trồng dưa leo. Dưa leo dễ trồng, lại nhanh cho thu hoạch nên anh Lượm chuyển đổi tiếp 3 công đất ruộng để trồng dưa leo từ 2-4 vụ/năm.
Nhờ cần cù, lại chịu khó học hỏi những người đi trước nên rẫy dưa leo phát triển tốt, sau khi trừ hết chi phí đầu vào khoảng 16 triệu đồng/vụ, anh Lượm có lợi nhuận trên 30 triệu đồng/vụ.
Anh Lượm nói: “Cũng nhờ cán bộ Mặt trận và chính quyền cơ sở vận động tôi chuyển đổi, được tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng màu nên dưa leo đạt năng suất và cho hiệu quả cao. Bình quân giá dưa 5.000 đồng/kg, tôi có lợi nhuận 100 triệu đồng/năm”.
Ông Trần Văn Nghĩa, ngụ ấp Hòa Thọ, xã Mong Thọ, huyện Châu Thành thu hoạch dưa leo.
Để người dân thay đổi thói quen canh tác, nâng cao thu nhập đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Mong Thọ và các tổ chức thành viên được phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Hòa Thọ Đồng Mạnh Hùng cho biết: “Ngoài phối hợp với cán bộ Tổ kinh tế - kỹ thuật xã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, vận động nhân dân lựa chọn những cây, con có giá trị kinh tế, phù hợp thổ nhưỡng địa phương để chuyển đổi, Ban Công tác Mặt trận ấp còn tích cực tuyên truyền, xây dựng mô hình điểm hiệu quả để người dân tai nghe, mắt thấy từ đó mạnh dạn áp dụng”.
Ấp Hòa Thọ có 359 hộ dân, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và làm thuê, đời sống còn nhiều khó khăn. Làm thế nào để giúp người dân xóa nghèo, tăng thu nhập là điều mà Ban Công tác Mặt trận ấp Hòa Thọ trăn trở.
Năm 2016, cùng chính quyền, Ban Công tác Mặt trận ấp Hòa Thọ thực hiện mô hình vận động nhân dân mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chuyển những diện tích làm ăn kém hiệu quả sang trồng rau màu các loại để tăng thu nhập.
Từ chỗ chỉ có vài hộ tham gia chuyển đổi với khoảng 2,5ha vào năm 2016, đến năm 2023, có 22 hộ chuyển đổi từ đất ruộng kém hiệu quả, đất vườn tạp sang trồng dưa leo, đậu đũa, đậu bắp, khổ qua... với tổng diện tích trên 10ha.
Ông Trần Văn Nghĩa, ngụ ấp Hòa Thọ, xã Mong Thọ, huyện Châu Thành thăm vườn dưa leo.
Ông Trần Văn Nghĩa, ngụ ấp Hòa Thọ cho biết: “Ban đầu nhờ cán bộ kỹ thuật xã tìm các loại giống rau màu dễ trồng, ít bệnh, có hiệu quả nên gia đình cũng thử chuyển đổi, thấy hiệu quả nên cải tạo đất ruộng sang trồng rau màu đến nay. Mỗi năm 4 vụ, cứ xoay vòng khổ qua, dưa leo, bầu bí… lợi nhuận hơn 140 triệu đồng từ 7 công rẫy”.
Đến năm 2023, toàn xã Mong Thọ có gần 30ha đất lung trũng, đất vườn tạp được 49 hộ dân chuyển đổi sang trồng rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của Mong Thọ còn 1,67%.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Mong Thọ Đặng Thị Yến Nhi cho biết phấn đấu cuối năm 2023, xã giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,6%. Đây là bài toán khó, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã và các tổ chức thành viên sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững để người dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, tự lực vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo.
"Chúng tôi xác định, khâu then chốt vẫn là vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai của địa phương để đầu tư phát triển sản xuất”, đồng chí Đặng Thị Yến Nhi nói.
Bài và ảnh: AN LÂM
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: