05/02/2021 16:48
SẴN SÀNG VỤ NUÔI MỚI
Đồng chí Quảng Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đánh giá: “Những tháng đầu năm 2020, ngành nuôi tôm của cả nước nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá tôm giảm và thiếu ổn định, người dân và doanh nghiệp chưa mạnh dạn đẩy nhanh tiến độ thả giống, nhất là nuôi tôm công nghiệp tại vùng tứ giác Long Xuyên. Đến cuối năm 2020, thị trường xuất nhập khẩu có dấu hiệu phục hồi, giá tôm bắt đầu tăng trở lại; dịch bệnh trên tôm được kiểm soát. Nhờ vậy, vụ tôm nước lợ năm 2020 hoàn thành thắng lợi về diện tích và sản lượng như kế hoạch đề ra”.
Trên đà thắng lợi từ vụ tôm năm 2020, năm 2021, tỉnh Kiên Giang tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm nước lợ lên 136.000ha, phấn đấu tăng sản lượng lên 98.000 tấn/năm. Tại huyện An Biên, những ngày này, nông dân tất bật thu hoạch diện tích lúa mùa trên nền đất tôm. Để chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới, đối với những cánh đồng đã thu hoạch, người dân nạo vét kênh mương, cải tạo đất, bơm nước, tạt vôi, xử lý nước để chuẩn bị thả giống tôm. Huyện An Biên dự kiến thả nuôi 24.040ha, trong đó tập trung mô hình tôm - lúa với diện tích thả nuôi khoảng 21.200ha, còn lại là diện tích tôm công nghiệp và quảng canh cải tiến.
Ông Trương Hoàng Đỗ, ngụ ấp Năm Biển A, xã Nam Thái, huyện An Biên cho biết: “Vụ này lúa trúng mùa nên nhiều gốc rạ là điều kiện lý tưởng cho việc thả nuôi tôm trong năm nay. Hiện gia đình tôi bắt đầu bơm lấy nước mặn vào vuông, chuẩn bị thả giống theo đúng lịch thời vụ khuyến cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hy vọng vụ tôm thuận lợi, được mùa được giá”.
Nông dân xã Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) thu hoạch tôm.
Là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn của vùng tứ giác Long xuyên, huyện Hòn Đất đề ra chỉ tiêu phấn đấu mở rộng diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn năm 2021 đạt 3.910ha, sản lượng ước 4.150 tấn. Từ đầu tháng 1-2021 đến nay, giá tôm trên thị trường tăng cao, nông dân nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện phấn khởi, đầu tư mở rộng diện tích thả nuôi.
Ông Nguyễn Văn Guôl, ngụ ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất chia sẻ: “Gia đình tôi chuẩn bị sẵn sàng cho vụ tôm mới, lót lại hệ thống bạt đáy ao, xử lý nước, tiến hành đặt con giống để kịp thả nuôi trước tết. Những năm qua, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm Khuyến nông, tôi mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi tôm ao đất sang mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn có lót bạt đáy. Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nâng cao tỷ lệ sống của tôm nuôi, giảm rủi ro dịch bệnh, tôm đạt năng suất cao hơn”.
ĐỂ NGÀNH NUÔI TÔM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Theo dự báo của Đài Khí tượng và Thủy văn Kiên Giang, tình hình hạn hán và mặn xâm nhập diễn ra gay gắt trong mùa khô 2020-2021, ảnh hưởng đến tình hình phát triển tôm nuôi. Để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết đến tôm nuôi của người dân, ngay đầu vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang ban hành khung lịch thời vụ thả tôm cho từng vùng sản xuất, hướng dẫn quy trình sản xuất, thu hoạch, phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh trên tôm nuôi.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường kịp thời gửi đến các tổ kinh tế kỹ thuật và người dân để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp các lực lượng chức năng siết chặt công tác kiểm dịch tôm giống trên địa bàn tỉnh, ngăn chặn tình trạng mua bán tôm giống kém chất lượng.
Theo đồng chí Quảng Trọng Thao, hiện ngành tôm của tỉnh chủ yếu tập trung gia tăng sản lượng, việc đầu tư phát triển theo chiều sâu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất còn hạn chế, chưa nâng cao được giá trị tôm trên thị trường. Do đó, để phát triển bền vững ngành nuôi tôm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hình thức liên kết hợp tác, sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác để hình thành vùng sản xuất tập trung, làm đầu mối liên kết, giảm trung gian.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh cần nhân rộng các mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, khuyến khích, hướng dẫn các cơ sở nuôi tôm áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, các tiêu chuẩn quốc tế khác theo yêu cầu thị trường…
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: