22/02/2021 16:31
CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG
Mùa khô 2019-2020, Kiên Giang là một trong những tỉnh công bố tình trạng thiên tai trên diện rộng, hạn hán khốc liệt, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, có những thời điểm độ mặn tại các tuyến kênh nội đồng lên đến 30-40‰ đe dọa sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp và các địa phương thực hiện các giải pháp công trình chống hạn hiệu quả, bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp, nông dân chủ động thích ứng với hạn, mặn thông qua nhiều mô hình sản xuất chống chịu mặn hiệu quả.
Ông Lương Văn Nhâm (bìa phải) - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bào Trâm, xã Nam Yên, huyện An Biên cùng thành viên trong hợp tác xã thăm cánh đồng lúa - tôm.
Tôm - lúa là một trong những mô hình sản xuất được nhiều nông dân chọn. Theo nhiều nông dân vùng U Minh Thượng, lúa - tôm là mô hình sản xuất bền vững, hiệu quả kinh tế cao, hạn chế rủi ro dịch bệnh, phù hợp những vùng không chủ động được nguồn nước ngọt sản xuất, thường xuyên bị mặn xâm nhập.
Ông Lương Văn Nhâm - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bào Trâm, xã Nam Yên, huyện An Biên cho biết: “An Biên với đặc điểm 6 tháng nước ngọt, 6 tháng nước mặn, người dân không thể chủ động lấy nước ngọt vào ruộng để sản xuất lúa 2 vụ. Từ khi huyện có chủ trương khuyến khích nông dân chuyển dịch từ lúa 2 vụ sang sản xuất một vụ tôm một vụ lúa, vào mùa mưa nông dân tận dụng nguồn nước mưa để rửa mặn gieo sạ vụ lúa mùa trên nền đất tôm. Các tháng còn lại nước mặn xâm nhập, sau khi thu hoạch lúa, nông dân đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm. Nhờ mô hình này, nông dân không còn lo lắng hạn, mặn làm thiệt hại, nhiều thành viên hợp tác xã trở nên khá, giàu”.
Anh Lê Văn Vàng, ngụ ấp Vĩnh Lập, xã Hòa Chánh (U Minh Thượng) thu hoạch khóm.
Nhiều diện tích đất trũng phèn của các huyện U Minh Thượng, Vĩnh Thuận những tưởng không loại cây trồng nào có thể phát triển lại được nông dân lên liếp trồng khóm, kết hợp nuôi tôm càng xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Lê Văn Vàng, ngụ ấp Vĩnh Lập, xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng chia sẻ: “Khóm có khả năng chịu mặn tới 10 - 15‰, không phải tưới nước nhiều, với tình trạng hạn, mặn những năm qua, cây khóm vẫn phát triển, cho năng suất tốt, đem lại nguồn thu nhập khá cho nông dân”.
ỨNG DỤNG KHOA HỌC, KỸ THUẬT
Hạn, mặn khốc liệt là điều không ai muốn, song nông dân có thể chủ động thích ứng, giảm nhẹ thiệt hại thông qua nhiều giải pháp từ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất như chọn giống chịu mặn, xây dựng khung lịch thời vụ sớm để tránh hạn, mặn xâm nhập.
Mùa khô 2019-2020, mặc dù hạn, mặn khốc liệt từ tháng đầu năm, nhưng nông dân các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành biết cách khắc phục việc thiếu nước ngọt sản xuất. Bí quyết của nông dân chính là áp dụng thành công phương pháp tưới ngập khô xen kẽ, kết hợp quy trình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”, giảm lượng giống gieo sạ. Với phương pháp tưới ngập khô xen kẽ, nông dân tiết kiệm lượng nước tưới đến 30% mà không ảnh hưởng đến năng suất, giúp cây lúa bám rễ sâu vào đất, hút chất dinh dưỡng, hạn chế đổ ngã giai đoạn cuối vụ.
Nhờ phương pháp trồng cỏ trong vuông tôm, anh Nguyễn Văn Mãi, ngụ ấp Bảy Biển, xã Nam Thái A, huyện An Biên có thu nhập khá từ nuôi tôm.
Ông Võ Minh Chiếu - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 7B, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp) cho biết: “Với kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ trong canh tác lúa 2 vụ, một vụ lúa nông dân chỉ cần ngắt nước từ 3 - 4 lần, khi bơm nước vào ruộng chỉ cần ngập 5cm thay vì 10-20cm như trước. Từ đó, giúp nông dân giảm lượng nước tưới suốt vụ, năng suất lúa vẫn cao”.
Đối với các vùng chuyên nuôi trồng thủy sản thuộc các khu vực ven biển, hầu hết thời gian trong năm các kênh, rạch đều nhiễm mặn, khó gieo sạ lúa. Anh Nguyễn Văn Mãi, ngụ ấp Bảy Biển, xã Nam Thái A (An Biên) nói: “Là vùng sản xuất lúa - tôm, những năm qua, trên các tuyến kênh nước mặn quá cao, nông dân sạ lúa không hiệu quả. Giải pháp trồng cỏ trong vuông tôm đem lại hiệu quả không ngờ, giúp cải tạo môi trường nuôi tôm, giải phóng chất độc trong vuông tôm, mang lại nguồn khoáng tự nhiên trong nước, trở thành lượng thức ăn cho tôm”.
Trong bối cảnh hạn, mặn tiếp tục tái diễn, nông dân Kiên Giang chủ động áp dụng các mô hình nuôi trồng, canh tác thích ứng là giải pháp phù hợp hướng tới phát triển bền vững.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: