23/05/2023 11:00
Xuất thân từ gia đình làm nông, cuộc sống khó khăn, ông Danh Phương trăn trở tìm cách phát triển kinh tế gia đình. Trước đây, ông Phương là giáo viên dạy tiểu học. Năm 1994, ông Phương xin nghỉ để chuyên tâm lo chuyện đồng áng nuôi gia đình với 5 nhân khẩu.
Với 2 công đất trồng lúa, gia đình ông Phương chỉ dừng lại ở mức đủ ăn. Nhờ cần cù, chí thú làm ăn, vợ chồng ông Phương chi tiêu tiết kiệm, tích góp mua thêm 30 công đất, mở rộng diện tích canh tác.
Ông Phương cho biết: “Để gia đình vươn lên khá, giàu, tôi đổi mới cách làm, phát triển mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững. Tôi phá thế độc canh cây lúa, kết hợp đa dạng các loại hình sản xuất như trồng lúa, trồng rau màu và chăn nuôi”.
Ông Danh Phương chăm sóc đậu đũa trồng sau vườn.
Với 32 công đất, ông Phương sử dụng 30 công đất để trồng lúa. Với 2 vụ lúa mỗi năm, trừ chi phí ông Phương lãi 150 triệu đồng. Còn lại 2 công đất và đất xung quanh nhà, ông Phương cải tạo trồng rau màu như dưa leo, đậu đũa, khổ qua… có thu nhập quanh năm, đủ chi tiêu hàng ngày. Với nguồn vốn tích lũy, ông Phương xây thêm chuồng trại chăn nuôi heo, gà, vịt. Mỗi năm, ông Phương thu nhập trên 50 triệu đồng từ việc bán rau màu và chăn nuôi.
“Nhờ thực hiện mô hình này, kinh tế gia đình tôi ổn định hơn trước, đời sống được nâng cao, có điều kiện nuôi 3 người con ăn học và có việc làm ổn định. Hiện tôi xây dựng được ngôi nhà khang trang, mua sắm đầy đủ các thiết bị sinh hoạt trong gia đình”, ông Phương chia sẻ.
Để thực hiện thành công mô hình trồng lúa, trồng rau màu và chăn nuôi đảm bảo tính bền vững, ông Phương không ngừng nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất. Ông tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật như sản xuất lúa theo chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau màu... áp dụng vào sản xuất của gia đình.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Phương nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, công tác an sinh xã hội. Hiện ông Phương là hội viên Chi hội Nông dân ấp Vĩnh Đằng, luôn hết mình với công tác hội, chia sẻ, hướng dẫn tận tình kỹ thuật trồng lúa, trồng màu và chăn nuôi với người dân xung quanh, hỗ trợ cùng nhau vươn lên trong cuộc sống.
Đồng chí La Thanh Vũ - Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, cho biết: “Từ năm 2014 đến nay, ông Danh Phương được Hội Nông dân xã tặng giấy khen là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Hiện mô hình kinh tế của ông Phương đang phát triển tốt, mang tính bền vững, hiệu quả kinh tế khá cao, mang lại thu nhập ổn định, được xã Vĩnh Hòa Phú đánh giá là một trong những mô hình làm ăn hiệu quả, điển hình của xã”.
Bài và ảnh: TIỂU ĐIỀN
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: