28/07/2023 15:34
Khoảng 5 năm trở lại đây, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, lao dốc, nhiều hộ dân trồng tiêu lâm vào cảnh thua lỗ, một số hộ không còn khả năng xoay sở tiền đầu tư đành phá bỏ cây tiêu, chuyển sang các loại cây trồng khác, khiến diện tích hồ tiêu của tỉnh Kiên Giang giảm mạnh.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến tháng 6-2023, toàn tỉnh có khoảng 493ha tiêu; so cùng kỳ năm 2022, diện tích cây tiêu giảm khoảng 52%. Không chỉ giảm về diện tích, năng suất hồ tiêu hiện cũng giảm nhiều so với trước.
Giá tiêu giảm mạnh, nông dân liên tục gặp cảnh thua lỗ, không còn mặn mà với cây tiêu. Vườn tiêu của ông Giang Na Ri - thành viên Hợp tác xã hồ tiêu Bãi Ớt, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương với hơn 1.000 bụi, nhưng năm nay, mỗi bụi tiêu chỉ cho thu hoạch được hơn 300gram.
“Sở dĩ năng suất tiêu giảm mạnh do gia đình không còn mặn mà với cây trồng này vì giá quá thấp, trong khi chi phí phân bón tăng cao. Sắp tới, tôi dự tính phá bỏ cây tiêu để chuyển sang trồng sầu riêng”, ông Giang Na Ri cho biết.
Bà Phạm Thị Hoa, ngụ ấp Bãi Ớt, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) chuyển từ trồng tiêu sang trồng sầu riêng và sâm lông.
Anh Trương Mỹ Thuận, hộ dân trồng tiêu tại xã Dương Hòa cho biết: “Hiện giá tiêu bán ra tại vườn có mức dao động 60.000-65.000 đồng/kg. So với năm trước, giá tiêu có tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so thời điểm đỉnh cao cách đây 5 năm, giá tiêu lên đến 120.000-140.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá phân bón, nhân công, chi phí bơm tưới đều tăng cao, với giá tiêu hiện tại, nông dân trồng tiêu lỗ nặng”.
Ấp Bãi Ớt, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương có khoảng 57,7ha trồng tiêu, tương đương 47.000 bụi. Trước thực trạng tiêu rớt giá, Hội Nông dân xã Dương Hòa đã phối hợp tổ kinh tế kỹ thuật vận động người dân chuyển đổi diện tích tiêu già cỗi, năng suất thấp sang các loại cây trồng khác phù hợp thổ nhưỡng như sầu riềng, cây dó bầu, mít thái, sâm lông mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, đã có hơn 50% số hộ trồng tiêu chuyển đổi sản xuất.
Bà Phạm Thị Hoa, ngụ ấp Bãi Ớt, xã Dương Hòa đã chuyển đổi gần 500 bụi tiêu sang cây sầu riêng. Sau hơn 4 năm trồng, sầu riêng bắt đầu cho trái, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho gia đình. Bà Hoa cho biết: “Thổ nhưỡng của vùng đất này khá thích hợp cho cây sầu riêng phát triển. Thời gian trồng đến thu hoạch từ 4-5 năm, để lấy ngắn nuôi dài, tôi tận dụng các nọc tiêu để trồng thêm sâm lông. Nguồn thu nhập từ cây sâm lông giúp gia đình trang trải cuộc sống và tái đầu tư vào vườn cây ăn trái”.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Hòa Nguyễn Hải Nam, hiện sản phẩm hồ tiêu Bãi Ớt đã được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện. Sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ dân trồng tiêu phát triển thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm hồ tiêu thông qua việc hỗ trợ hướng dẫn hồ sơ thủ tục để cấp chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2023 đối với hồ tiêu Bãi Ớt, đồng thời tạo điều kiện để hộ dân trồng tiêu vay vốn ưu đãi từ quỹ hỗ trợ nông dân.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: