07/11/2022 14:34
MỞ ĐỒNG LẤY PHÙ SA
Thời điểm này, nếu có dịp đi qua các xã Mỹ Thái, Mỹ Phước, Mỹ Hiệp Sơn và Nam Thái Sơn (huyện Hòn Đất), người đi đường dễ dàng thấy những cánh đồng trắng xóa, mênh mông nước, báo hiệu mùa lũ đã về.
Theo nhiều người dân huyện Hòn Đất, mọi năm tới tháng 11 mới có nước lũ về, nhưng năm nay con nước về sớm hơn gần 1 tháng. Thêm vào đó, nước lũ trên đồng năm nay cao hơn năm 2021 từ 10-20cm. Hơn 1 tháng nay, lũ từ thượng nguồn đổ về, chảy tràn vào các kênh, rạch nội đồng, nông dân tranh thủ mở đồng cho nước lũ vào.
Dòng nước đục mang theo phù sa về đã góp phần tưới mát đồng ruộng, nông dân rất phấn khởi. Nước lũ được người dân giữ trên đồng nhiều ngày sẽ giúp thau chua, rửa phèn, diệt cỏ dại, chuột, đồng thời bổ sung độ màu mỡ cho đồng ruộng sau thời gian canh tác liên tục nhiều vụ. Thêm vào đó, còn giúp công tác cày bừa, vệ sinh đồng ruộng sau lũ dễ dàng, nhẹ chi phí hơn.
Ông Bành Văn Cang, ngụ ấp Phước Hảo, xã Mỹ Phước chia sẻ: “Những năm qua, do giá vật tư, phân bón tăng cao, gia đình tôi không sản xuất lúa vụ 3, chỉ làm 2 vụ lúa/năm. Do đó, sau khi thu hoạch vụ lúa hè thu năm 2022, lũ về thì tiến hành cho nước vào đồng để lấy phù sa. Đất được nghỉ ngơi, ngâm trong nước từ 1-2 tháng sẽ diệt trừ mầm bệnh, cỏ dại, chuột. Vụ đông xuân tới kỳ vọng lúa sẽ trúng mùa”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất, vụ lúa đông xuân 2022-2023, huyện dự kiến xuống giống 79.076ha.
Để chuẩn bị tốt cho việc gieo sạ lúa đông xuân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất phối hợp Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang căn cứ tình hình lũ nhằm vận hành đóng hệ thống cống để giữ nước phục vụ sản xuất lúa, trước mắt phục vụ việc làm đất, vệ sinh đồng ruộng.
Huyện Hòn Đất xây dựng khung lịch thời vụ gieo sạ vụ đông xuân 2022-2023 cho từng vùng sản xuất để người dân chủ động trong sản xuất, tránh tình trạng gieo sạ trễ bị ảnh hưởng mặn, thiếu nước cuối vụ.
MƯU SINH MÙA NƯỚC NỔI
Nước lũ về không chỉ giúp đất đai màu mỡ, sản xuất thuận lợi hơn mà còn giúp nông dân vùng lũ có thêm nguồn thu nhập từ các nghề mưu sinh ăn theo con nước lũ.
Để đón con nước lũ, nhiều người dân huyện Hòn Đất chuẩn bị sẵn các công cụ mưu sinh mùa nước nổi như xuồng máy, cần câu, lưới, lú, dớn để đánh bắt thủy sản.
Anh Ngô Văn Đặng, ngụ ấp Phước Hảo, xã Mỹ Phước (Hòn Đất) giăng lưới bắt cá trên ruộng.
Anh Ngô Văn Đặng, ngụ ấp Phước Hảo, xã Mỹ Phước chia sẻ: “Năm nay, tôi chuẩn bị 150 cái gập để bẫy chuột đồng. Từ đầu mùa lũ đến nay, tôi bắt trên 300kg chuột đồng. Chuột sống được thương lái mua giá 50.000 đồng/kg. Mỗi ngày thu nhập từ 300.000-500.000 đồng để trang trải cuộc sống. Hơn thế nữa, nhờ đặt bẫy chuột trong mùa lũ, vụ lúa đông xuân tới sẽ sản xuất thuận lợi hơn, ít chuột cắn phá lúa”.
Anh Nguyễn Thanh Nhàn, ngụ xã Nam Thái Sơn nói: “Nước lũ năm nay về sớm, nhờ thế tôi có thêm thời gian để giăng lưới bắt cá kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày, nếu chịu khó đi giăng, thăm lưới, tôi có thể kiếm từ 150.000-200.000 đồng. Gia đình nghèo không có ruộng đất, tôi chủ yếu làm thuê kiếm sống qua ngày. Mùa lũ về, tôi có thêm nguồn thu để nuôi con ăn học”.
Tranh thủ mùa nước nổi, vợ chồng chị Bùi Thị Hạnh, ngụ ấp Hiệp Thành, xã Mỹ Hiệp Sơn tận dụng nguồn cá tạp, ốc bươu vàng đánh bắt trong mùa lũ để nuôi lươn. Chị Hạnh cho biết: “Nhờ nguồn cá tạp, cộng thêm vợ chồng tôi đi đẩy ốc về xay ra làm thức ăn cho lươn, giúp tiết kiệm chi phí thức ăn, lươn lại mau lớn”.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: