04/04/2024 14:14
Ông Vi Nhật Quang là đồng bào dân tộc Tày, năm nay đã 72 tuổi. Ông Quang bước đi không còn nhanh nhẹn, nhưng tâm huyết với nghề nuôi cá chình. Ông Quang cho biết cha của ông gốc ở tỉnh Lạng Sơn, về huyện Tân Hiệp sinh sống từ năm 1945, ông được sinh ra và lớn lên ở Tân Hiệp.
Năm 1969, ông Quang tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông là chiến sĩ Tiểu đoàn 207 chiến đấu trên địa bàn tỉnh, sau đó biên chế về trung đoàn thuộc Quân khu 9 hoạt động ở địa bàn Kiên Giang, An Giang, Cà Mau. Các năm 1972, 1973, cuộc chiến diễn ra ác liệt, ông Quang hai lần bị thương, một lần bị pháo dập hầm trú ẩn, một lần bị trúng miễn của pháo gây thương tích nặng. Năm 1977, ông Quang chuyển ngành công tác và nghỉ hưu vào năm 2010.
Ông Vi Nhật Quang kiểm tra cá chình giống trong ao.
Là chiến sĩ cách mạng, ông Quang “phải lòng” và nên duyên với đồng đội. Vợ chồng ông đều là hội viên Hội Cựu chiến binh thị trấn Tân Hiệp. Ông Quang nói: “Hai vợ chồng cùng tham gia kháng chiến, cùng chung ý chí quyết tâm đánh giặc cứu nước nên hiểu và động viên nhau trong hoàn cảnh bom rơi, lửa đạn. Hòa bình, kinh tế gia đình tôi hết sức khó khăn, nhưng vợ chồng cố gắng làm ăn mới có được cơ ngơi như hôm nay”.
Sau khi về hưu, ông Quang bị bệnh nặng. Ông Quang kể: “Trong lúc bệnh nặng tôi nằm viện ở TP. Hồ Chí Minh, chỉ trong 2 năm tôi trải qua 13 ca mổ, cuộc sống cứ tưởng dừng lại với bệnh tật, nhưng tôi không bỏ cuộc. Trong lúc sức khỏe dần bình phục, tôi đã học hỏi mô hình nuôi cá chình của một người bạn cùng nằm viện quê ở Phú Yên”.
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tân Hiệp Nguyễn Văn Bé Sáu (bên phải) đến tham quan mô hình nuôi cá chình của ông Vi Nhật Quang.
Năm 2011, ông Quang bắt đầu nuôi cá chình. Ông đầu tư 300 triệu đồng để cải tạo ao, mua con giống, thức ăn. Lúc đầu ông Quang thả 100.000 con giống, song quá trình nuôi gặp nhiều khó khăn do ông chưa nắm vững kỹ thuật, kinh nghiệm. Không bỏ cuộc, ông Quang tìm tòi trên sách, báo, internet, đi thực tế học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào thực tiễn.
Dù cá có bị hao hụt, song sau 1 năm ông Quang thả nuôi, cá lớn với khoảng 10-15 con/kg, bán cho các hộ dân lân cận trong và ngoài tỉnh với giá từ 1,2 -1,3 triệu đồng. Hiện trang trại cá chình giống của ông Quang cung cấp trong và ngoài tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau… với khoảng 130.000 con cá giống/năm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Quang thu lãi từ 700-800 triệu đồng.
Ông Quang cho biết: “Để nuôi cá chình đạt hiệu quả, ao nuôi cá phải được xử lý đúng kỹ thuật, đảm bảo nguồn nước trong ao phải sạch mới thả giống. Lưu ý cá được thả nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng. Cá chình giống lúc mới đem về còn rất nhỏ như sợi chỉ nên cho ăn trùng nước trong 45 ngày đầu, khi cá lớn mới cho ăn cá tạp xay nhỏ trộn với thức ăn dành riêng cho cá chình”.
Cá chình sau khi thu hoạch được đóng bao, bơm ôxy và vận chuyển nhanh, kịp cung cấp đến khách hàng.
Nhờ nuôi cá chình trong 13 năm qua đã giúp kinh tế gia đình ông Quang ngày càng khá giả. Kinh tế ổn định, ông Quang thường xuyên tham gia các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương như tặng hàng ngàn suất cơm cho người dân trong đại dịch COVID-19, tham gia các hoạt động hỗ trợ nhà cho người nghèo, các hoạt động nghĩa tình của Hội Cựu chiến binh huyện Tân Hiệp.
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tân Hiệp Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết: “Ông Quang và vợ đều là hội viên hội cựu chiến binh. Bản thân ông Quang dù là thương binh, đã lớn tuổi nhưng hăng hái thực hiện phong trào thi đua cựu chiến binh gương mẫu, là điển hình về tấm gương tự lực, tự cường vươn lên trong Hội Cựu chiến binh huyện”.
Bài và ảnh: TRÚC LINH
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: