26/02/2024 10:02
Trở lại làm việc sau những ngày nghỉ Tết Giáp Thìn năm 2024, chủ tàu Nguyễn Văn Dư, ngụ khu phố Dãy Ốc, phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá vừa cho xuất hành 2 cặp tàu. Trên tàu được trang bị đầy đủ nhiên liệu, nước đá, ngư lưới cụ cùng 20 ngư phủ và thuyền trưởng sẵn sàng đưa tàu ra khơi.
Ông Dư nói: “Chuyến biển đầu tiên của năm thường mang lại nhiều may mắn bởi đây là thời điểm vào mùa vụ khai thác chính trong năm, thời tiết thuận lợi, ít sóng gió. Đối với tôi, nghề biển được xem là nghề cha truyền con nối, tôi rất cố gắng để bám trụ, duy trì hoạt động đội tàu của gia đình trong bối cảnh khó khăn, tài chính hạn chế. Cho nên, chuyến biển đầu năm tôi rất kỳ vọng tàu ra khơi thuận buồm xuôi gió, thu về những mẻ lưới đầy ắp cá, tôm, mang lại thu nhập cao”.
Ông Nguyễn Văn Lạc, chủ tàu cá ngụ phường An Bình, TP. Rạch Giá cho biết: “Ngay từ trước tết tôi đã chủ động tìm kiếm bạn thuyền, cho ngư phủ ứng trước tiền mỗi người vài triệu đồng để giữ chân người lao động cho chuyến biển đầu năm”.
Thiếu vốn, thiếu lao động đi biển đã trở thành trở ngại lớn nhất khiến nhiều chủ tàu vẫn chưa ra khơi. So với năm trước, năm nay số lượng tàu cá ra khơi ngay đầu năm mới rất ít. Theo số liệu thống kê của Hội Nghề cá TP. Rạch Giá, lượng tàu cá ra khơi chỉ chiếm khoảng 25% tổng số tàu trên địa bàn thành phố. Tại cảng cá Tắc Cậu, lượng tàu neo đậu vẫn khá nhiều.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm hỏi, động viên ngư dân ra khơi đầu năm mới.
Với thâm niên mấy chục năm trong ngành đánh bắt hải sản xa bờ, ông Trương Văn Ngữ - Chủ tịch Hội nghề cá TP. Rạch Giá cho biết: “Để có thể xuất hành thuận lợi chuyến biển đầu năm, tôi cũng như nhiều chủ tàu khác trên địa bàn TP. Rạch Giá phải rất chật vật để lo trang trải chi phí ra khơi. Hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với ngành khai thác hải sản là nguồn lực tài chính”.
Chi phí cho một chuyến biển hiện lên đến gần 1,3-1,4 tỷ đồng cho một cặp tàu ra khơi khoảng 30 ngày. Đối với các tàu làm nghề lưới khác, chi phí cũng khoảng từ 500-600 triệu đồng/tàu, trong đó chi phí xăng, dầu chiếm hơn 70% tổng chi phí chuyến biển. Giá xăng, dầu từ tết đến nay vẫn neo ở mức cao, cộng thêm việc giá cả các mặt hàng khác như nước đá, lương thực, thực phẩm cũng tăng theo giá dầu. Bên cạnh các chi phí cố định, các chủ tàu cũng rất đau đầu về việc tìm kiếm bạn thuyền, ngư phủ đi biển trong dịp xuất hành đầu năm.
Theo ông Ngữ, việc thiếu người lao động đi biển không phải chuyện mới đây bởi hiện nay ngành đánh bắt hải sản không còn mang lại thu nhập hấp dẫn cho người lao động. Phần lớn tàu cá đang gặp khó khăn khi đánh bắt không hiệu quả, lỗ nhiều hơn lời, nhiều thanh niên có sức khỏe những năm gần đây bỏ biển lên bờ tìm việc khác, vừa có thu nhập lại có thể ở gần gia đình.
Ngư phủ chuẩn bị nước, thực phẩm cho chuyến đánh bắt xa bờ đầu tiên của năm mới.
Kiên Giang là một trong những tỉnh có ngư trường trọng điểm của cả nước, với nghề cá phát triển mạnh lâu đời, đứng đầu cả nước trong một thời gian dài, đã giải quyết việc làm cho gần 70.000 người lao động và góp phần phát triển kinh tế cho ngư dân, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh. Trong năm 2023, lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản đã sản xuất được gần 800.000 tấn thủy sản các loại, với tổng giá trị sản xuất đạt 33.474 tỷ đồng, trong đó, khai thác thủy sản là 437.199 tấn.
Ông Trương Văn Ngữ kiến nghị tỉnh cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong việc tái cấu trúc, sắp xếp lại đội tàu theo hướng phát triển bền vững gắn với tái tạo nguồn lợi thủy sản. Chính quyền cần tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác thủy sản như cào bờ, xiệp mé, sử dụng xung điện trong khai thác, đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính đối với những chủ tàu hoạt động khai thác hiệu quả, đúng pháp luật.
"Tôi kêu gọi ngư dân đồng hành cùng với chính quyền tỉnh tỉnh và các ngành trong việc chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về thủy sản, không tham gia khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài để chung tay cùng cả nước gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu", ông Ngữ kêu gọi.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: