11/01/2024 10:40
Anh Giang quan tâm đến bonsai từ năm 2012. Ban đầu anh chỉ đam mê mai vàng. Anh trồng mai vàng từ năm 2008 đến năm 2010 và bắt đầu có lợi nhuận. Nhận thấy nghề này cho thu nhập khá và vừa có thể thỏa lòng đam mê nên anh Giang duy trì đến nay. “Khó khăn nhất là những ngày đầu bỡ ngỡ với bonsai, không biết chăm nên cây phát triển chưa tốt, tạo dáng chưa đẹp, giá trị cây chưa cao”, anh Giang chia sẻ.
Hiện anh Giang sở hữu hàng trăm chậu bonsai linh sam, sam núi, cây khế, cây si, vạn niên tùng với nhiều kích cỡ khác nhau, đang phát triển tốt trong khu vườn 10.000m2. Với giá bán từ 5-700 triệu đồng/cây đủ kích cỡ cây lớn, nhỏ, kiểu dáng khác nhau, giúp anh Giang thu lợi nhuận từ 200-500 triệu đồng/năm.
Anh Giang tạo việc làm thường xuyên cho 5-6 người lao động có thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng và 7-8 người học nghề cắt, tỉa, tạo dáng cho cây.
Em Bùi Văn Niên (22 tuổi), ngụ ấp Hòa Hiệp, xã Hòa Lợi học làm nghề tạo dáng bon sai được 5 năm và có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Niên chia sẻ: “Nghề tạo dáng bon sai phải yêu thích và cần sự tỉ mỉ; nhất là được sáng tạo theo ý mình. Khi tạo dáng cây đẹp, em có một cảm giác vui khó tả lắm”.
Anh Bùi Hoàng Giang, ngụ ấp Hòa Hiệp, xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng cùng học viên chăm sóc mai chiếu thủy 7 năm tuổi.
Anh Giang cho biết: “Để uốn nắn, chỉnh sửa cây thì cần đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Chi tiết trên bonsai rất nhỏ nên rất khó để làm. Mỗi cây hoang dại đem về phải mất 3-7 năm để tạo dáng đẹp. Chơi bonsai còn tùy loại cây lớn nhỏ khác nhau, mỗi cây có mỗi dáng, thế khác nhau và mỗi người trồng sẽ có phong cách tạo dáng theo sở thích riêng”.
Hiện việc biến những loài cây hoang dại thành bonsai đang trở thành thú chơi của giới cây cảnh; nhiều khách hàng thích bonsai vì có thể tạo không gian xanh cho gia đình và nơi làm việc. Hiện ngoài khách địa phương, anh Giang còn có nhiều khách hàng từ các tỉnh Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng… thông qua mạng xã hội, hội, nhóm bonsai, hoa, cây cảnh độc và lạ. Các hội, nhóm này trở thành nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm; buôn bán, trao đổi những loài cây, hoa hoang dại khắp các tỉnh, thành phố.
Ngoài chăm sóc và hướng dẫn những người học nghề tạo dáng cho cây, thời gian rảnh anh Giang thường đi xa nhà để tìm mua những cây hoang dại có gốc đẹp đem về nuôi dưỡng. “Khi đào cây về cần phải cắt, tỉa những cành thừa, già rồi bôi keo liền sẹo, ngâm phần rễ vào thuốc kích rễ 10-15 phút; trộn 50% đất, 50% xơ dừa, để cây trong mát và thường xuyên giữ ẩm cho cây”, anh Giang kể.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lợi Nguyễn Thanh Khởi cho biết: “Hiện toàn xã có 11 mô hình kinh tế hiệu quả, với tổng diện tích 11,7ha; trong đó, có mô hình trồng hoa kiểng mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng giúp anh Giang phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, mô hình trồng hoa kiểng đã tạo việc làm, thu nhập ổn định giúp đời sống một số hộ dân địa phương được nâng lên, góp phần xây dựng nông thôn mới”.
Bài và ảnh: BÍCH THÙY
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: